Đối với sai sót trong việc bỏ phiếu tín nhiệm giới thiệu thành viên Ban Chấp hành VFF khóa VII, nhiều bạn đọc cho rằng: “Không hiểu nổi”. Phải chi công việc bề bộn, người ứng cử đông, công việc phức tạp thì nhầm đã đành. Ở đây chỉ có vài chục phiếu, có ban bệ để kiểm rõ ràng mà vẫn nhầm thì có vẻ… có “mùi” quá.
Thất vọng với cách làm việc của VFF, bạn đọc Trần Tùng, ngán ngẩm: “Bóng đá xét cho cùng cũng chỉ là một trò chơi, vậy mà ở đó người ta cũng nhập nhằng, thiếu minh bạch, và bất chấp dư luận. Một tổ chức từ trên xuống dưới đều có vấn đề, dư luận lên tiếng biết bao nhiêu lần mà các vị lãnh đạo cứ dửng dưng như không. Trách nhiệm và tự trọng bỏ đâu rồi quý vị?”.
Trước vụ việc “tưởng như đùa” này, bạn đọc Quang Huy, bày tỏ: “Đây là câu chuyện hài nhất mà tôi từng được nghe. Kiểm 19 phiếu mà cũng sai sót. Nghe câu chuyện này cảm giác như có gì đó không rõ ràng, cứ vướng víu, bất đồng ở đâu đó. Cả một tổ chức xã hội lớn như thế, với hàng triệu người hâm mộ mà làm việc cứ ngô nghê như trong một lớp học cấp 1 thì khó chấp nhận quá. Nơi đây đã quá nhiều chuyện tai tiếng rồi, hãy chấn chỉnh sớm để người hâm mộ bóng đá nước nhà nhờ. Có thể trong tổ chức này nhiều người không thấy xấu hổ nhưng chúng tôi chỉ nhìn vào những việc vừa qua thôi đã ngượng lắm rồi”.
Bức xúc không kém, bạn đọc Nguyễn Duy, cho rằng: Không đủ năng lực thì xuống để người có năng lực làm. Lúc nào cũng nói kế hoạch, định hướng phát triển... rồi sau đó là rút kinh nghiệm, hòa cả làng. Quy mô bóng đá Việt Nam quá đơn giản so với Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Thái Lan chứ đừng nói đến Anh, Pháp... Cách quản lý, điều lệ hoạt động của họ rõ ràng chứ có giấu giếm gì đâu, sao không biết học hỏi. Cứ làm việc theo kiểu “giấm dúi” với nhau thế này chỉ nền bóng đá nước nhà là thiệt”.
Tiến không ổn thì… lùi
Thông tin về việc đại hội VFF khóa VII phải hoãn lại 4 tháng với nhiều bạn đọc lại không có gì bất ngờ. Dù chưa bầu nhưng đến giờ này mà “chân dung” chủ tịch mới chưa rõ ràng, chưa dàn xếp xong những vấn đề nội bộ thì không hoãn mới là… chuyện lạ.
Với cách làm việc như bao lâu nay, bạn đọc Hoàng Giang nói thẳng: “VFF có đại hội hay không cũng vậy thôi. Khi mà mọi việc đã được chỉ đạo trong hậu trường thì bầu bán còn có ý nghĩa gì. Bộ TT – VH – DL lẽ ra là trọng tài, là người chỉ đạo để hội nghị dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể thì lại nhảy vào tranh ghế thì khác nào trọng tài, giám sát nhảy vào đá bóng. Đưa người của bộ vào tranh cử thì hầu như chắc chắn là trúng cử, nhưng cũng chắc chắn đó là một bước lùi. Chỉ có điều đây không chỉ là bước lùi cho nền bóng đá nước nhà, mà còn là bước lùi về uy tín của chính người được trúng cử”.
Cùng quan điểm, bạn đọc lấy tên Sepp Blatter, cho biết: “Người ta ứng cử đã có kế hoạch, cương lĩnh tranh cử từ lâu rồi. Việc đại hội cũng đã được thông báo cả năm nay. Bộ TT – VH – DL mới đưa người sang, chưa có chuẩn bị gì hết, nếu không hoãn thì nói gì với người hâm mộ đây. Làm sao thuyết phục được mọi người rằng mình có năng lực, chuyên môn, có am hiểu về bóng đá… Hoãn là chuyện tất nhiên, chưa có chuẩn bị thì phải hoãn để chuẩn bị. Kiểm nhầm phiếu chỉ là “động tác giả”, “nằm vạ” như trong bóng đá để… câu giờ”.
Về việc một quan chức của VFF cho rằng hoãn đại hội lại 4 tháng “chỉ mất công sức chứ không lãng phí”, bạn đọc Ngô Huê cho rằng tuyên bố như thế là lấp liếm. Bạn đọc này phân tích: Hoãn đại hội 4 tháng thì các quan chức VFF có tình nguyện bỏ công sức ra 4 tháng để làm lại kế hoạch đại hội mới mà không ăn lương không ? Nếu có nhận lương thì đã là lãng phí rồi, chưa tính mọi chi phí khác… Còn nếu các vị này chấp nhận không lãnh lương thì tiền lương mà các vị hưởng trong khi làm kế hoạch tổ chức đại hội năm qua đã bị lãng phí (vì không thực hiện được, phải hoãn).
Cứ bầu chọn là “ngắt ngứ” Nếu những người lãnh đạo hiện tại của ngành thể thao và bóng đá nước nhà tiếp tục bầu chọn người lãnh đạo mà cứ “ngắt ngứ” kiểu này thì còn lâu nền thể thao và bóng đá Việt Nam mới ngẩng đầu trên đấu trường khu vực. Hãy nhìn lại vài thành tích gần đây xem, phần lớn những VĐV đạt thành tích cao đa số là do nỗ lực cá nhân và sự đầu tư từ gia đình là chính, rất ít thành công của VĐV có dấu ấn từ kế hoạch đào tạo,phát triển lâu dài của ngành thể thao. Tóm lại, nếu vẫn con người cũ, người dân đã quen tên nhẵn mặt, vẫn với cách lãnh đạo thiếu tầm nhìn, nói hay hơn làm, thậm chí làm không được thì đừng nên đặt chỉ tiêu này hay kế hoạch dài hạn gì cả. . |
Bình luận (0)