Trong văn bản giải trình của Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội gởi UBND TP ký ngày 26-2, sở này cho biết trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Trường Chinh, đã có nhiều đơn thư phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân tổ dân phố 40 - khu tập thể cán bộ cao cấp quân đội - phường Khương Thượng, quận Đống Đa về con đường này.
Người dân liên tục khiếu nại
Đường vành đai 2 được khởi công từ tháng 10-2013 với tổng mức đầu tư 2.560 tỉ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 2.022 tỉ đồng. Đến thời điểm này, việc thi công đường có dấu hiệu ngừng trệ do một số hộ dân liên tục có đơn thư khiếu nại đường bị bẻ cong đột ngột từ phía Nam sang phía Bắc là không tuân thủ quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sở QH-KT TP Hà Nội trong văn bản giải trình cũng thừa nhận là đã nhận nhiều đơn thư phản ánh của người dân về vấn đề này, đồng thời đã rà soát lại công tác quy hoạch để trả lời thắc mắc của công dân. Chỉ giới đường đỏ cũng đã được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân thống nhất cho UBND phường Khương Thượng công bố công khai với người dân. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn tiếp tục có đơn thư thắc mắc.
Về kiến nghị này, Sở QH-KT TP Hà Nội cho biết qua kiểm tra rà soát, chỉ giới đường đỏ lập cho đoạn từ Hố Mẻ đến Cống Chéo (bao gồm đoạn tuyến cắt vào các hộ dân tổ 40) xác định tại hồ sơ được UBND TP phê duyệt và hồ sơ được Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân đóng dấu kiến nghị (đã được Bộ Quốc phòng thỏa thuận) là hoàn toàn thống nhất, không sai khác. Quá trình lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường là hoàn toàn phù hợp với quy định.
Nắn đường để làm gì?
ThS Nguyễn Văn Thịnh, giảng viên Khoa Đô thị Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho biết nguyên tắc thiết kế đường đô thị là phải theo đường thẳng, chỉ nắn cong khi có lý do bất khả kháng không thể thiết kế đường qua được. Các trường hợp đường đi qua phải tránh gồm: Công trình mang tính quốc gia, công trình lịch sử, văn hóa có giá trị không thể phá bỏ. Các công trình dân sự khác đều có thể giải phóng mặt bằng để đưa đường qua mà không cần nắn.
“Nếu cần thiết nắn cong đường thì chỉ được nắn trong góc độ cho phép, cụ thể là khoảng 5 độ, khi đó đường cong sẽ tịnh tiến thành đường thẳng. Còn nếu nắn đường trên 5 độ mà không có các lý do nêu trên là vi phạm, khiến đường đô thị mất đi tính mỹ quan cũng như vẻ đường bệ” - ông Thịnh nhận xét.
Ông Thịnh cho rằng nếu Bộ Quốc phòng đồng ý quy hoạch đường với thiết kế như trên thì cần phải xem lại cụ thể nguyên nhân nắn đường là gì, đối tượng được tránh đường như thế nào… để giải thích cho người dân hiểu. “Nếu đối tượng tránh đường chỉ là các công trình dân sự, kể cả nhà của các quan chức, thì đều không được phép” - ông Thịnh khẳng định.
Theo một chuyên gia từng làm việc tại Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải, tuyến đường này trước đây được thiết kế nắn cong với mục đích tiết kiệm tiền giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo ông, lý do đó không thỏa đáng và cần làm rõ có phải tuyến đường bị bẻ cong vì né nhà “quan to” ở đây hay không.
“Thực tế, giải phóng mặt bằng nhà quan thì rõ ràng tốn kém hơn nhà dân, do nhà quan to hơn, nhiều tầng… Nếu đúng như thế thì có thể tiết kiệm chi phí nhưng chắc chắn người dân sẽ bất bình, người tham gia giao thông có thể gặp nguy hiểm khi đường bị uốn cong đột ngột” - vị này phân tích.
Đã lấy ý kiến Bộ Quốc phòng
Đầu tháng 8-2006, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư xây dựng đường Trường Chinh (đường vành đai 2, từ Ngã tư Sở đến Ngã tư Vọng). Vì hai bên đoạn đường này có nhiều công trình do Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng nên cuối năm 2006, TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét, có ý kiến góp ý mở rộng tuyến đường.
Sau đó, tại văn bản số 762/BQP-TM, Bộ Quốc phòng đã nêu rõ: “Thống nhất ý kiến với Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân tại công văn số 193/CV-PKKQ ngày 13-4-2000 và được thể hiện trên bản vẽ chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập ngày 18-10-2000”. Trên cơ sở đó, phương án chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt phù hợp với chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh, đoạn qua Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập.
Bình luận (0)