Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc công khai, minh bạch được xem là yếu tố quan trọng để thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đòi hỏi từ thực tế
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thời gian qua, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được quy định tương đối đầy đủ về các nội dung, hình thức, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế, trong đó nổi cộm là nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, pháp luật chưa đồng bộ. Thực tiễn này đòi hỏi cần xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đề cập những bất cập trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua, đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) cũng nhấn mạnh việc thực hiện vẫn chưa rộng khắp, đồng đều ở các địa phương và chưa thường xuyên, liên tục. Dân chủ ở cơ sở, ở các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập cũng chưa được phát huy mạnh mẽ. Đặc biệt, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở cũng chưa thật sự gắn kết với nhiệm vụ thường xuyên, nhất là trong cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế.
Công khai, minh bạch thông tin để phục vụ người dân tốt hơn là một trong những nội dung quan trọng của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Lấy vụ án cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung liên quan đến mua sắm chế phẩm Redoxy - 3C để xử lý nước ao hồ ô nhiễm tại Hà Nội làm dẫn chứng, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng nếu công bố công khai cho người dân biết nước hồ này phải xử lý bằng hóa chất nào, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho thành phố thì chắc chắn không thể kéo dài từ năm 2016 đến 2020 mới phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó, các vụ án tham nhũng như mua sắm thiết bị y tế, mua bán tài sản công, mà điển hình như vụ án AVG - MobiFone… đều giống nhau là đầy đủ quy trình, có đủ cơ quan tham gia ý kiến nhưng không được minh bạch, công khai. Điều này cho thấy dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang là đòi hỏi từ thực tế.
Đa dạng hình thức công khai
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự thảo luật được xây dựng trên một số nguyên tắc, như cụ thể hóa phương châm "dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng"; đặt việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong tổng thể cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Cùng với đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội là trung tâm để nhân dân làm chủ.
Dự thảo luật có nhiều điểm mới cơ bản, như quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị...
Một điểm nổi bật trong dự thảo luật rất được quan tâm là những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai để người dân biết. Trong đó có thể kể đến thông tin về dự toán ngân sách; dự án, công trình đầu tư và tình hình triển khai; phương án bồi thường, tái định cư; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư… Dự thảo luật cũng quy định đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cấp xã theo quy định của pháp luật, thông qua mạng xã hội.
Từ thực tế, đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh hình thức công khai là rất quan trọng để người dân nắm được những nội dung có liên quan mà chính quyền công khai. Thời gian qua, còn có tình trạng cung cấp một số nội dung, hình thức công khai chưa phù hợp, người dân khó tiếp cận, đôi khi còn hình thức. Để tránh việc công khai hình thức, vị đại biểu đề nghị rà soát lại các hình thức công khai cho phù hợp với thực tiễn để người dân tiếp cận một cách dễ dàng nhất. Với mong muốn người dân tham gia giám sát, ông Hoàng Văn Cường cho rằng chỉ những gì thuộc về bí mật nhà nước, thuộc về quy định cấm không được công khai thì không công khai, còn lại tất cả các quyết định liên quan đến nguồn lực công, đến người dân thì đều phải thực hiện công khai, minh bạch.
Vẫn có những nơi đối phó
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng nhiều địa phương thực hiện công khai thông tin một cách đối phó. Nếu công khai không kèm theo sự minh bạch, thực chất thì sẽ không bảo đảm được quyền lợi của người dân, không phát huy được dân chủ ở cơ sở. Ở cấp cơ sở, nhiều thông tin quan trọng như về quy hoạch đất đai, dự án, việc quản lý sử dụng các loại quỹ, kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã... đều ít được công khai. Do đó, người dân không biết được thông tin và khó phát huy vai trò giám sát.
Ông SÙNG A LỀNH, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
Cần kiểm tra, giám sát việc công khai thông tin
Nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng thông báo mang tính chất hình thức, vắn tắt những nội dung nhạy cảm, nhất là về lĩnh vực quy hoạch đất đai, quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Trong khi đó, hiện pháp luật chỉ quy định về nội dung, hình thức công khai mà thiếu quy định về kiểm tra, giám sát trách nhiệm công khai của chính quyền cấp xã.
Vì vậy, cần nghiên cứu quy định về kiểm tra, giám sát đối với trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, đối với các hình thức công khai thông tin, cần rà soát để đổi mới, đa dạng, ứng dụng công nghệ thông tin và dễ triển khai, tránh lãng phí nguồn lực. Ngoài việc niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử cấp xã, cần nghiên cứu bổ sung công khai trên các mạng xã hội chính thống được pháp luật cho phép.
Ông VŨ QUỐC HÙNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương:
Phải công khai ở mức cao hơn để người dân biết và giám sát
Việc thực hiện công khai các thông tin như dự toán ngân sách và các kế hoạch hoạt động tài chính hằng năm của cấp xã, các dự án, công trình đầu tư và tình hình triển khai hay việc sử dụng, quản lý các loại quỹ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu để "người dân biết". Nếu người dân không biết, không nắm được thông tin thì bàn, làm và giám sát như thế nào?
Cần công khai, minh bạch ở mức độ cao hơn nữa để người dân thực hiện quyền giám sát, từ đó có thể góp phần ngăn chặn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả. Trong đó, cần chú trọng công khai công tác tài chính, cán bộ, kết quả thanh tra, kiểm tra.
Minh Chiến ghi
Bình luận (0)