Tháng 1-2017, UBND huyện Củ Chi công bố 100% hộ dân trên địa bàn huyện được tiếp cận nước sạch. Tuy nhiên, trên thực tế, số hộ dân sử dụng nước còn rất khiêm tốn.
Nước sạch chỉ để rửa xe, tưới cây
Tại huyện Củ Chi, Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water) được UBND TP HCM giao làm đơn vị đầu tư mạng lưới cấp nước phục vụ cho người dân ở đây. Theo thống kê của Saigon Water, tháng 6-2017, tỉ lệ người dân sử dụng nước chỉ 46%, chưa kể hơn 10% số hộ sử dụng dưới 5 m3/tháng. Những tháng trước đó, tình hình còn tệ hơn, với tỉ lệ hộ dân sử dụng nước chỉ từ 29%-37%. Một số xã tỉ lệ sử dụng rất thấp, chỉ 11%-18%, như Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Phước Thạnh… Thậm chí, xã Bình Mỹ, nơi nguồn nước bị nhiễm phèn, không thể sử dụng cho sinh hoạt cũng còn 21% hộ dân chưa sử dụng nước.
Một trong những nguyên nhân khiến người dân "chê" nước sạch là do thói quen sử dụng nước giếng khoan và chưa quen với mùi clo trong nước. "Nước giếng ở đây ngon lắm, vừa trong vừa ngọt, không ô nhiễm nên cứ xài. Nước máy chỉ dành rửa rau, thịt, nồi xoong của quán ăn mỗi sáng, chứ nước sinh hoạt ở trong nhà toàn bộ là nước giếng" - anh Nguyễn Văn Tới (ấp Bến Đò, xã Tân Phú Trung) nói. Cũng vì ít sử dụng nên dù được gắn hơn 7 tháng nhưng chỉ số đồng hồ chỉ 8 m3, đồng hồ nằm chỏng chơ, đất cát đóng đầy mặt.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đức (ngụ ấp Hậu, xã Tân An Hội) cũng cho biết chủ yếu dùng nước máy để… tưới cây kiểng và rửa xe. "Sử dụng nước giếng 60 năm rồi. Mấy lần địa phương vận động, vợ chồng tôi thử lấy nước nấu uống nhưng nó có mùi ngộ, không ngon nên quay lại nước giếng" - ông Đức phân trần.
Đi một vòng xã Tân Phú Trung, địa bàn đông dân cư nhưng rất nhiều hộ dân thừa nhận chỉ sử dụng nước máy cho có và đối phó khi địa phương vận động. Những xã nằm xa hơn như Phước Vĩnh An, Phước Hiệp, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông… tình hình cũng không khả quan hơn.
Ngại nước sạch có mùi clo, gia đình ông Nguyễn Văn Đức (ngụ ấp Hậu, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP HCM) vẫn sử dụng nước giếng khoan Ảnh: Hải Phong
Không đầu tư dàn trải
Ông Trương Khắc Hoành, Tổng Giám đốc Saigon Water, cho biết đến cuối tháng 6-2017, cơ bản phủ kín 15 xã, thị trấn của huyện Củ Chi, lắp 73.097 đồng hồ nước, 486 bồn chứa nước tập trung và 352 đồng hồ tổng cùng 7 trạm cấp nước nhưng tỉ lệ hộ dân dùng nước sạch đến tháng 6 đạt 46% là rất thấp. Saigon Water có chính sách miễn phí 5 m3/tháng để người dân sử dụng nước, nhiều hộ chỉ dùng đúng số lượng nước miễn phí rồi đóng đồng hồ, quay lại sử dụng nước giếng khoan. Không chỉ người dân, nhiều hộ kinh doanh, sản xuất hoặc các hộ công lập như bưu điện, trạm y tế, trường học, văn phòng ấp… cũng không sử dụng nước sạch dù đã được gắn đồng hồ nước.
Ông Hoành cho biết tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 và năm 2016 hơn 2.000 tỉ đồng, trong đó hơn 50% vốn vay thương mại. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ phủ kín 6 xã còn lại và kết thúc cuối năm 2018, đây là những xã vùng xa, dân cư thưa thớt, chi phí đầu tư sẽ rất tốn kém. Thế nhưng, với tình hình sử dụng nước như hiện nay thì khả năng tái đầu tư của công ty rất thấp, chưa kể ngân hàng nhìn vào doanh thu sau một năm quá tệ cũng sẽ dè chừng. Do khó khăn nên cách đây 3 tháng, Saigon Water đã có văn bản gửi UBND TP kiến nghị tạm dừng đầu tư tiếp giai đoạn 2 nhưng không được chấp thuận. Do đó, công ty sẽ khảo sát lại nhu cầu thực tế của người dân, tập trung phát triển mạng theo trục, ưu tiên khu đông dân cư để tránh lãng phí. Riêng những khu vực xa sẽ tiếp cận nước sạch cho người dân bằng nhiều cách, như lắp bồn nước, đồng hồ tổng… để bảo đảm chỉ tiêu 100% hộ dân Củ Chi được tiếp cận nước sạch đến năm 2018 như yêu cầu TP đặt ra.
Thực tế, người dân "chê" nước sạch cũng khiến UBND huyện Củ Chi đau đầu. Hầu như cuộc họp nào lãnh đạo huyện cũng đưa chuyện nước sạch vào nhắc nhở, rồi hằng tuần, hằng tháng đều có những buổi tuyên truyền, phát tờ rơi… nhằm vận động người dân sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, bảo đảm cho sức khỏe. Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, cho biết không chỉ cán bộ, công chức, đảng viên phải vận động gia đình sử dụng nước sạch mà tất cả hội viên các đoàn thể cũng phải sử dụng nước sạch và sẽ đưa vào chỉ tiêu chấm thi đua cuối năm.
Chỉ có một KCN dùng nước sạch
Ông Nguyễn Vĩnh Bình, Phó Tổng Giám đốc Saigon Water, cho biết hiện chỉ có KCN Hòa Phú ở huyện Củ Chi sử dụng nước sạch do đơn vị cung cấp. Ba KCN Tân Quy, Tân Phú Trung và Phạm Văn Cội vẫn đang sử dụng nước ngầm dù đường ống đã đến cổng các KCN này. Theo Saigon Water, các KCN muốn được mua nước với giá rẻ nhưng mức khấu hao hiện nay là 10% chưa hấp dẫn họ, trong khi chủ đầu tư cũng không được giảm giá nước thấp hơn quy định.
Riêng KCN Đông Nam được cấp phép xây dựng trạm xử lý nước với công suất 20.000 m3/ngày đêm, gấp đôi sản lượng nước sạch người dân sử dụng ở thời điểm hiện tại. Trạm xử lý nước này lấy nguồn nước thô từ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn.
Bình luận (0)