Ông Nguyễn Đức Tính (ngụ ấp Lộc Thành, xã Lộc Thuận) cho rằng nếu dự án này được xây dựng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân và chăn nuôi, trồng trọt. "Tại sao trạm nghiền xi măng không đưa vào khu công nghiệp mà lại xây dựng trong khu dân cư?" - ông Tính đặt vấn đề. Còn bà Đỗ Thị H. thì cho rằng khí thải ra môi trường sẽ phát sinh nhiều bệnh về đường hô hấp và các bệnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dân.
Qua tìm hiểu của phóng viên, tháng 6-2016, trạm nghiền xi măng do chủ đầu tư là Công ty DIC-INTRACO xin chủ trương làm dự án. Mục tiêu hoạt động là "Xây dựng trạm nghiền sản xuất xi măng, vôi và thạch cao". Tổng vốn đầu tư dự án là 300 tỉ đồng, diện tích sử dụng đất là 12.883 m2, thời gian thực hiện 50 năm. Công suất thiết kế là 1 triệu tấn xi măng/năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc người dân phản ứng dự án trạm nghiền xi măng, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, cho biết trạm nghiền xi măng do Công ty DIC-INTRACO có văn bản xin đầu tư vào tháng 6-2016, lúc đầu huyện bàn bạc và đa số không đồng ý tiếp nhận dự án vì chưa nắm được quá trình hoạt động của trạm, nhất là ô nhiễm môi trường. Đến ngày 23-6-2016, ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre và các ban, ngành tỉnh cùng họp sau khi nhà đầu tư trình bày thì thống nhất tiếp nhận dự án.
Theo ông Dũng, Công ty DIC-INTRACO đã 2 lần mời lãnh đạo UBND xã, huyện đi tham quan nhà máy của họ ở tỉnh Quảng Bình. Lần đầu đi 19 cán bộ cấp xã, huyện; lần 2 đi 7 cán bộ cấp huyện, tỉnh, trong đó có ông Trương Duy Hải. Ông Dũng cho biết giai đoạn 1, công ty khai thác đá vôi thì có ô nhiễm, sau đó cho đá vôi với đất sét nung nhiệt độ cao để thành clanhke. Trạm nghiền xi măng ở đây là nghiền clanhke nát ra thành xi măng để cung cấp cho các địa phương miền Tây là giai đoạn 2. "Giai đoạn 2 này hoàn toàn không thấy khói bụi gì cả, còn nghiền clanhke đâu có sử dụng nước mà sợ ô nhiễm môi trường" - ông Dũng nói.
Tuy ông Dũng khẳng định trạm nghiền xi măng không có khói bụi, ô nhiễm môi trường nhưng nhiều người dân trong khu vực dự án này vẫn băn khoăn: "Nếu nghiền clanhke thành xi măng không gây ô nhiễm môi trường thì sao họ không nghiền ở Quảng Bình mà đưa về đây làm gì?".
Bình luận (0)