Câu chuyện dân "tự xử" đã làm nóng Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội hôm 31-10. Nóng vì tính chất thời sự của vụ việc và vì nguyên nhân của nó rất đáng báo động.
Thờ ơ...
Hành vi "tự xử" không được khuyến khích, trái pháp luật nhưng tại sao hàng ngàn người dân Quảng Ngãi vẫn phải làm để phản đối việc UBND tỉnh cho phép các doanh nghiệp nạo vét khai thác cát ở cửa biển Cửa Đại của sông Trà Khúc. Việc khai thác cát trên đã làm bờ sông sạt lở, bồi lấp cửa biển, thuyền của ngư dân không thể ra khơi đánh bắt. Thế nhưng bao lâu nay, người dân đã phản ánh khắp nơi nhưng chính quyền địa phương vẫn không giải quyết thấu đáo. Cách hành xử trên là trái luật nhưng tất yếu phải xảy ra.
Bạn đọc Lê Bình, nói thẳng: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là sự chậm trễ cố tình của chính quyền địa phương trong việc không kiên quyết bắt doanh nghiệp phá hoại môi trường sống của nhân dân phải đền bù thiệt hại về kinh tế và khắc phục ngay những hậu quả mà họ đã gây ra. Phải đặt ra câu hỏi: Vì sao chính quyền không kiên quyết làm tất cả theo quyền hạn mà pháp luật đã quy định để bảo vệ người dân? Chứ đừng quá chăm chăm vào việc người dân phản ứng thế nào?.
Đại biểu Quốc hội đã phân tích rõ thực trạng của vấn đề: “Bộ máy chính quyền đầy đủ từ trên xuống nhưng cái tàu hút cát chạy rầm rầm suốt ngày đêm, dân kêu lại bảo “tôi đi giám sát không thấy”, thế là cái gì? Bộ máy của chúng ta quan liêu, tham nhũng cho nên người dân phải đứng dậy chống lại mình”. Nhiều bạn đọc cho rằng cách nhìn trên là thấu đáo, thẳng thắn. Trong nhiều vụ việc người dân không thể chấp nhận sự ì ạch, bảo thủ, quan liêu của bộ máy chính quyền địa phương.
Bạn đọc Thanh Hiền, cho biết: “Chẳng người dân nào muốn đứng ra “kiếm chuyện” với chính quyền, chỉ tổ thiệt về mình. Nhưng cách hành xử quá đáng của nhiều ban, ngành, nhiều địa phương buộc người dân phải gây áp lực để vụ việc được giải quyết thỏa đáng. Đây là miếng cơm manh áo, là con đường sống của họ nhưng khi phản ánh thì chẳng ai quan tâm, giải quyết, thì làm sao người dân không bức xúc.
Hãy làm đi, đừng nói nữa
Minh chứng cho sự thờ ơ, quan liêu của các cơ quan chức năng, bạn đọc Nguyễn Cao Sơn dẫn chứng: “Tự xử là sai nhưng xin thưa luật pháp có bảo vệ cho người dân lương thiện chúng tôi không? Cụ thể là những tên trộm cướp khi bị bắt rồi lại được thả chỉ vì chúng chỉ phạm ở mức độ xử lý vi phạm hành chính hoặc nói thẳng ra là chúng bỏ tiền ra để mua sự tự do rồi sau đó quay lại trả thù những người dân đã bắt chúng. Hay như đại biểu Đáng nói: "Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đến 2 bộ quản lý vẫn chưa hiệu quả” sao lại bảo người dân chúng tôi phải làm người tiêu dùng thông thái?”.
Nhiều bạn đọc bày tỏ: Nghe các địa biểu Quốc hội chỉ rõ thực trạng cũng vui nhưng vấn đề là giải giải pháp nào trị căn bệnh quan liêu của cán bộ, của chính quyền địa phương trì trệ, tham nhũng. Đơn cử như vụ Công ty Hào Dương (TP HCM) xả thải ra môi trường, đầu độc cuộc sống của bao nhiêu hộ dân nhưng cơ quan chức năng bắt quả tang 10 lần rồi đến nay cũng chẳng xử lý đến đầu đến đũa. Nếu người dân không thể chịu nổi kéo đến vây nhà máy thì họ lại vi phạm pháp luật. Hoặc người dân kéo đến chính quyền địa phương thì sao? Họ sai nhưng họ có lý và lỗi này chính là từ cách giải quyết thiếu hiệu quả của các cơ quan chức năng.
Bạn đọc Nguyễn Văn Chiêu, ví dụ: Một cửa hàng làm cửa sắt ở trong khu dân cư thôi suốt ngày chạy máy cắt sắt đinh tai nhức óc nhưng hết năm này qua năm nọ người dân phản ánh lên phường cũng không giải quyết được. Người dân tức giận kéo nhau đến gây gổ với cả chủ tiệm và đến khi xảy ra đánh nhau thì chủ tiệm mới chịu dời đi nơi khác. Trong khi chỉ cần cán bộ môi trường xuống đo tiếng ồn của máy cắt và cấm sử dụng là xong nhưng chẳng ai muốn làm.
Cụ thể về vấn đề "tự xử", bạn đọc Thanh Uyên nói: các đại biểu đã nhìn nhận là chính quyền địa phương yếu kém, xa dân vậy thì hãy đề xuất cách giải quyết đi. Bao lâu nay cứ nói thực trạng thế này thế nọ nhưng không cụ thể xử lý từng vụ việc thì chẳng bao giờ thay đổi được giì cả và việc người dân tự xử sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Hãy “trảm” quan tham cho dân nhờ
“Cảm ơn các bác đại biểu đã nói hộ nỗi lòng của người dân. Chúng ta đã có hòa bình rồi, nhưng như vậy vẫn chưa đủ, phải ấm no nữa thì mới hạnh phúc được. Giờ chỉ mong những vị đứng đầu bộ máy nhà nước hãy “trảm” mấy ông quan tham nhũng, gây thiệt hại cho lợi ích của người dân thì người dân mới yên lòng” - bạn đọc Thiện Thiện. |
Bình luận (0)