Đọc lại bài báo "Dân vận" của Bác Hồ viết cách đây gần 70 năm, càng thấm sâu những giá trị tư tưởng và những điều Bác nhắc nhở, căn dặn, bởi dân vận là mục tiêu, phương pháp vận động cách mạng, thực chất là xây dựng mối quan hệ máu thịt của Đảng với dân.
Sáu phẩm chất
Với 612 chữ, bài báo được xem là "Cương lĩnh" của công tác dân vận, đề cập, lý giải những vấn đề cơ bản về công tác dân vận.
Mở đầu, Bác nêu lên bản chất nhà nước; nêu cơ sở, tiền đề của công tác dân vận. Đó là nhà nước của dân, do dân, vì dân: "Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân".
Tiếp đó, Bác đặt ra các câu hỏi và lý giải một cách rõ ràng: Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận thế nào?
Nếu hiểu dân vận là công tác vận động quần chúng thì chưa hoàn toàn chính xác. Bác giải thích: "Dân vận là động viên tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho".
Bác chỉ ra các bước làm công tác dân vận, đó là: Tìm mọi cách giải thích để dân hiểu rõ; phải bàn bạc, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân; khi thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, khuyến khích; khi thi hành xong cùng dân rút kinh nghiệm...
Ai phụ trách dân vận? Theo Bác, đó là "tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân...". Bác còn nói: "Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm". Trong thực tế, có người cho rằng công tác dân vận là công việc do Ban Dân vận của Đảng làm là chính.
Còn dân vận như thế nào? Bác nêu 6 phẩm chất cần có là: "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm". Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi là sự sâu sát, nắm bắt, hiểu được dân. Còn miệng nói, tay làm chính là sự nêu gương, nói đi đôi với làm chứ không phải nói suông. Có thế, dân mới tin.
Bác cũng đã đề cập thực tế lúc bấy giờ là nhiều nơi còn xem khinh việc dân vận, cử ra một ban hoặc một vài người, mà thường cử cán bộ kém rồi bỏ mặc họ… Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Và Bác kết luận: "Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".
Một tiết mục văn nghệ của khối đoàn thể TP HCM mô phỏng phong trào quần chúng tham gia cách mạng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Vẫn nguyên giá trị
Công tác dân vận ngày nay trong điều kiện có chính quyền, có công cụ thông tin, truyền thông mạnh, có mạng internet... nhưng vẫn rất cần sự sâu sát, lắng nghe, bàn bạc với dân. "Dân vận khéo" là phải sát dân, phù hợp với đặc điểm, lợi ích của từng đối tượng, từng con người. Chính vì thế, việc triển khai công tác dân vận đối với công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, dân tộc, tôn giáo... có những điểm khác nhau, phải rất nhuyễn về cả nội dung và phương pháp.
Tiềm năng, nguồn lực trong dân còn lớn, muốn phát huy sức dân thì phải có chủ trương, chính sách đúng đắn. Chủ trương, chính sách đúng đắn cùng sự gương mẫu của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, tự nó có sức ảnh hưởng lan tỏa trong nhân dân.
Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với hệ thống chính quyền, phải luôn chú trọng việc thuyết phục, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và thực hiện hành chính công khai, minh bạch, giảm thủ tục phiền hà. Nếu mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong ứng xử, tiếp xúc, đối thoại với dân đều thể hiện sự cầu thị, lắng nghe, tôn trọng, có lý, có tình... thì dân vận sẽ ngày càng khéo, sự đồng thuận sẽ ngày càng cao.
Bài báo "Dân vận" của Bác đã đề cập vấn đề căn bản, đến nay như vẫn còn nguyên giá trị, thật sự là bài học lớn về công tác dân vận trong tình hình mới.
Chia sẻ được bức xúc của dân
"Dân vận khéo" không thể chỉ là một chiều từ trên xuống mà là hai chiều. Phải lắng nghe, phản hồi, đối thoại, khuyến khích sự đóng góp ý kiến, sáng kiến của dân. "Dân vận khéo" là làm cho dân thấy quyền lợi, nghĩa vụ, thấy lợi ích hài hòa, triển khai những việc làm thiết thực gắn với lợi ích chính đáng, hợp pháp của dân. "Dân vận khéo" là chia sẻ được nỗi niềm, bức xúc của dân, động viên sức dân, góp thành lực lượng toàn dân thực hiện khát vọng dân giàu, nước mạnh...
Bình luận (0)