Thôn Thuận Hòa cách trung tâm xã Quảng Trường khoảng 2 km, bị bao vây bởi sông Gianh. Trước đây, ai muốn qua lại thôn này phải sử dụng phương tiện duy nhất là đò.
Năm 2005, người dân đã làm cầu phao bắc qua sông Gianh nhằm giúp bà con trong thôn đi lại thuận tiện nhưng nay đã hư hỏng nặng. Vì thế, hằng ngày, gần 1.000 nhân khẩu thôn Thuận Hòa phải đối mặt với nguy hiểm khi qua cầu phao dân sinh dài 200 m. Đây cũng là con đường duy nhất để đến trường của gần 300 học sinh ở đây. Chiếc cầu phao hiện đã đứt dây cáp một bên, ván mặt cầu mục, gãy nát từng khúc. Lan can cầu là những thanh tre bó buộc lại bằng những sợi thép đã hoen gỉ, phần nâng phía dưới là những chiếc thùng phuy hư cũ nên mặt cầu lúc nào cũng chực chìm xuống nước.
Bà Đoàn Thị Luyến, một cư dân của thôn Thuận Hòa, cho biết bà buôn bán nên thường xuyên qua cầu. Mỗi lần qua cầu như “đánh cược” với tính mạng mình, bởi chẳng biết rớt xuống sông khi nào. “Nguy hiểm vậy đó nhưng người dân vẫn phải qua cầu vì không còn đường nào khác. Tai nạn xảy ra như cơm bữa, mà sông Gianh sâu lắm, rơi xuống không biết bơi thì mất mạng” - bà Luyến ngao ngán.
Theo ông Hoàng Anh Vũ, Trưởng thôn Thuận Hòa, sống ở đây nhưng người dân phải qua cầu sang bên kia sông để sản xuất nông nghiệp, buôn bán nông sản. Vào mùa nắng, dù nguy hiểm nhưng vẫn có thể qua cầu. Đến mùa mưa lũ, nước sông dâng ngập cầu, thôn này bị cô lập hoàn toàn.
“Trận lũ lịch sử năm 2013 đã cuốn trôi cầu khiến thôn Thuận Hòa bị cô lập trong thời gian dài. Chờ nước rút, chúng tôi vận động người dân nhặt từng chiếc phuy, miếng gỗ, sợi dây... lắp ráp cầu để bà con qua lại” - ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường, nhớ lại. Ông Tiến cho rằng chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra cầu, nếu phát hiện điểm nào hư hỏng thì sửa tạm. Về lâu dài cần phải xây dựng cầu mới để bảo đảm an toàn tính mạng của người dân.
Bình luận (0)