Sài Gòn được định danh như một đô thị lớn mạnh từ sông nước. Chính hệ thống sông ngòi chằng chịt là hình thể được tự nhiên định sẵn mà thế hệ cha ông đã nương theo để xây dựng một "Hòn ngọc viễn Đông" vang bóng một thời.
TP HCM hôm nay đã phát triển hơn xưa nhưng thế mạnh sông nước vẫn chưa được sử dụng đúng mức trong xây dựng bộ mặt thành phố, phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Không gian dành cho cộng đồng
Một thành phố đáng sống ngoài cảnh quan đặc sắc, hạ tầng thông thoáng, tiện lợi, phải có không gian xanh hài hòa dành cho cộng đồng.
Trước khi tính đến khai thác tiềm năng về kinh tế, quy hoạch bờ sông bao gồm kè sông, cảnh quan, đường sá, công trình phúc lợi nên được quan tâm. Cần giải tỏa quỹ đất cho hành lang này và phải có hệ thống thoát nước dọc theo bờ sông. Một con đường xanh dành cho người đi bộ và xe đạp dọc sông, ven bờ với rừng cây tỏa bóng mát xen cài công trình phúc lợi, hành lang đi bộ, bến thuyền nhộn nhịp chắc chắn sẽ trở thành điểm nhấn độc đáo cho thành phố. Tôn tạo, chỉnh trang công viên có sẵn; quy hoạch thêm công viên phía bờ Đông.
Việc tôn tạo, xây dựng nhà cửa mặt hướng sông nên hài hòa và chú ý cảnh quan. Những khoảng hở với mật độ xây dựng khống chế, thấp tầng là cần thiết để đón làn gió mát từ sông làm dịu thành phố.
Văn hóa thương hồ là nét đặc trưng của Sài Gòn hàng trăm năm. Đã là di sản cha ông, mất đi là điều rất đáng tiếc. Nhưng nếu chỉ phục dựng để "trưng bày" sẽ gây lãng phí tài nguyên. Vậy nên cần có kế hoạch khai thác đúng mức lợi ích kinh tế mà dòng sông mang lại.
Cùng với đôi bờ cảnh quan đẹp, xây dựng bến tàu khách sẽ kích hoạt du thuyền, tàu du lịch, buýt sông và taxi nước hoạt động. Buýt sông và taxi nước không chỉ để trải nghiệm mà phải trở thành phương tiện lưu thông của thành phố.
Sự thành hình các bến hàng hóa sẽ tăng thêm năng lực vận chuyển giữa TP HCM và ĐBSCL cũng như thúc đẩy giao thương với nhiều khu vực bằng đường thủy. Theo đó, hàng hóa, vật liệu cồng kềnh sẽ được vận chuyển bằng đường sông, giảm áp lực cho đường bộ khi phí lưu thông đắt đỏ. Tình trạng quá tải, ách tắc và hỏng đường gây lãng phí nhiên liệu và hao tốn chi phí tu sửa, bảo trì sẽ được cải thiện.
Chợ có thể đặt cạnh bến vận chuyển hàng hóa nhưng phải cách bến tàu du lịch một khoảng cách đủ xa. Mật độ bố trí chợ tùy theo điều kiện từng khu vực. Khi giao thông đường thủy phổ biến, phát triển chợ ven sông sẽ hồi sinh hình thức giao thương sông nước đã bị nhiều quy hoạch xóa sổ. Lưu ý, chợ cần quản lý tốt rác thải, nước thải có thể cho tập kết về các nhà máy xử lý. Được như vậy, hình thức phát triển kinh tế chợ hoàn toàn khả thi mà vẫn giữ được môi trường trong mức chấp nhận được.
Sông Sài Gòn với dòng chảy uốn lượn là sự ưu ái kỳ diệu của thiên nhiên, tiềm năng dồi dào để phát triển du lịch Ảnh Hoàng Triều
Phát triển du lịch
Sông Sài Gòn rất đặc biệt. Dòng chảy uốn lượn tạo thành cảnh quan và khu chức năng như là sự ưu ái kỳ diệu của thiên nhiên, là tiềm năng dồi dào để phát triển du lịch.
Với chiều dọc 80 km đường sông là không gian vô cùng thích hợp để làm du lịch cảnh quan, thưởng ngoạn. Phía trung tâm, bán đảo Thanh Đa nên được quy hoạch thành khu đô thị sinh thái hướng sông trong tương lai. Cần triển khai mời gọi đầu tư, tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế để biến trái tim xanh trong lòng thành phố thành quần thể sinh thái "giải nhiệt". Có thể dành không gian xây dựng vườn bách thảo, vườn thực vật nhân tạo kết hợp trình chiếu phim và tư liệu về cây cỏ để khơi dậy tình yêu thiên nhiên của người dân cũng như du khách. Thiết kế hành lang đi bộ trên không để có thể nhìn toàn cảnh dòng sông và thành phố.
Sông Sài Gòn là chứng nhân chuyên chở văn hóa, lịch sử đất và người đã làm nên diện mạo TP HCM. Cần xây dựng một bảo tàng văn hóa xứng tầm phục dựng quá trình hình thành, phát triển văn hóa sông biển, sưu tầm tái hiện dấu vết mở đất mở nước của tiền nhân như là một sự tri ân những con người đã làm nên thành phố.
Theo đó người bản địa và du khách có thể đi dọc bờ sông để tham quan và "đọc" được hết câu chuyện của thành phố để một lần nữa tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc.
Phát triển đô thị ven sông, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, ngoài tập trung khai thác thế mạnh thiên nhiên cảnh quan, tiềm năng kinh tế, con người cũng phải giữ được cá tính riêng - chất hào sảng, nghĩa tình, cởi mở, bao dung, hiếu khách. Đó sẽ là "hàng hóa" đặc biệt, tài nguyên và di sản của ngành du lịch, để lại ấn tượng trong lòng du khách.
Phát triển bền vững đô thị ven sông là một tầm nhìn dài nhưng một khi làm được, giá trị và chất lượng sống của người dân TP HCM sẽ được nâng lên; đồng thời sẽ xây dựng được hình ảnh một "kinh đô sông nước" độc đáo và xứng tầm trong khu vực!
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Cuộc thi nhận bài tham dự đến ngày 28-7-2022.
Bình luận (0)