Mấy ngày qua, dư luận lại "dậy sóng" với dự thảo Luật Thuế tài sản. Nhiều đề xuất về cách thức tính mức thuế được đưa ra góp ý cho dự thảo. Sau khi đọc bài viết "Đánh thuế tài sản từ 2 tỉ đồng: Cơ sở tính thuế chưa ổn", số ra ngày 14-12 trên Báo Người Lao Động, tôi thấy nhiều vấn đề xung quanh việc thu thuế tài sản còn mập mờ, chưa thông.
Theo tôi, về lâu dài, đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, đất (từ bất động sản thứ hai trở đi) nhằm mục đích phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản, tăng nguồn cung cho thị trường. Quan trọng hơn, việc này tạo điều kiện cho những cá nhân, gia đình thu nhập thấp có nhu cầu tiếp cận nhà ở.
Thuế tài sản có lợi thế so với các loại thuế khác vì tài sản là hữu hình, có thể đo lượng và định giá. Người nắm giữ tài sản là nhà đất sẽ khó cất giấu và vận chuyển như nhiều loại hình tài sản khác (vàng, tiền mặt…). Nếu cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý tốt thì việc thu thuế tài sản là nhà đất sẽ dễ thực hiện hơn nhiều loại thuế hiện hành.
Theo chuyên gia, việc xác định giá trị nhà để làm cơ sở tính thuế rất khó (Ảnh: Hoàng Triều)
Tuy nhiên, những người không có khả năng tài chính nhưng có tài sản thừa kế hoặc tài sản hình thành trong thời gian có thu nhập trước đây có thể gặp nhiều bất lợi khi "đối mặt" với loại thuế này.
Đơn cử như trường hợp con cái trong gia đình góp tiền xây nhà cho cha mẹ già. Người sở hữu nhà là cha mẹ đã mất tuổi lao động phải thực hiện nghĩa vụ thuế, kể cả các con bỏ tiền đóng thuế thì cũng không công bằng.
Hay đất có nguồn gốc thừa kế. Người thừa kế để đất trống, không sử dụng thì có cần chịu thuế tài sản hay không?
Chưa kể, người nắm giữ tài sản không ngần ngại "lách" thuế. Thay vì diện tích đất có thể xây một căn nhà 1,5 tỉ đồng, người xây nhà có thể xây tách thành 2 căn sát vách với giá trị định giá dưới 700 triệu đồng/căn.
Đó là "lỗ hổng" mà dự thảo Luật Thuế tài sản cần lưu ý, quan tâm cặn kẽ hơn.
Bình luận (0)