Giữa tháng 7, nắng gay gắt nhưng không ngăn được đôi chân nhiệt huyết của bà Nguyễn Thị Linh Hạn - Bí thư Chi bộ khu phố 7 (KP7), phường Phước Lộc, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.
Thắp lên hy vọng đến trường
Như hàng trăm lần trợ giúp khác, bà Hạn lại đến một gia đình có hoàn cảnh cần giúp đỡ là gia đình chị Võ Thị Ngọc Trâm, ngụ KP7.
Chồng chị Trâm bỏ nhà đi đâu không rõ từ cách đây 9 năm. Một mình chị với nghề vá lưới thuê cho các chủ ghe không thể gánh vác xuể chuyện học hành cũng như ăn mặc của 2 con gái.
Chia sẻ khó khăn với gia đình chị Trâm nên bao năm nay cứ chuẩn bị vào mùa tựu trường là bà Hạn lại ngược xuôi vận động khắp nơi để ủng hộ quần áo, sách vở cho 2 con chị Trâm.
"Một ngày, nếu mình tôi thì chỉ đan được khoảng 300 phao lưới, kiếm 90.000 đồng. Nếu có 2 con ở nhà phụ giúp thì số phao đan được sẽ gấp đôi. Tuy nhiên, thu nhập cũng không thể cân đối được chi phí nhiều khoản nên kể cả tiền mua thẻ bảo hiểm cho 2 con tôi cũng phải chia nhỏ, đóng nhiều lần. May có sự hỗ trợ của cô Hạn nên phần nào bớt khó khăn" - chị Trâm bộc bạch.
Mới đây nữa, một hoàn cảnh khó khăn khác cũng được bà Hạn thắp lên hy vọng đến trường. Đó là một học sinh tiểu học không may liên tiếp mất cả cha lẫn mẹ và gia đình dự định phải cho cháu nghỉ học. Nghe tin, bà Hạn liên hệ ngay với Hội Thanh niên thiện nguyện La Gi, đồng thời vận động thêm người em ruột hỗ trợ để giúp cho cháu này đến khi học xong lớp 12.
Bà Nguyễn Thị Linh Hạn (trái) đến động viên chị Võ Thị Ngọc Trâm
Suy nghĩ rất nhiều
Những hoàn cảnh trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều trường hợp tại vùng biển nghèo Phước Lộc, được Bí thư Chi bộ KP7 Nguyễn Thị Linh Hạn giúp đỡ.
KP7 có khoảng 80% lao động liên quan nghề biển, đời sống phần lớn khó khăn nên việc học hành với không ít gia đình là điều không mấy mặn mà. Nếp nghĩ này chính là một trong những cản ngại lớn cho sự phát triển về mọi mặt của địa phương.
"Có trường hợp tôi nói thôi em ráng cho cháu đi học, có khó khăn gì về sách vở, áo quần thì chị lo. Người này hỏi lại tôi cho con học để làm gì? Tôi cố thuyết phục cho cháu đi học để ít nhất qua lớp 9, sau này muốn làm công nhân hay nghề biển thì cũng có một trình độ nhất định, tiếp thu cho nhanh. Rồi họ bảo cho con đi biển, chỉ cần học đến lớp 5 là đã biết tính toán rồi. Tôi kiên trì thuyết phục rằng đi biển thì cũng phải biết đánh được bao nhiêu tấn cá để người ta chia tiền khỏi bị thiệt, rồi còn biết tính toán cho cuộc sống của con trong tương lai nữa" - bà Hạn kể về một lần vận động trẻ em vùng biển này đến trường.
Lý giải cho việc vì sao luôn hào hứng "vác tù và hàng tổng" để giúp các trẻ em nghèo vùng biển, bà Hạn tâm sự: "Nhiều cháu đi biển từ rất sớm, đấy là điều mà tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Quê hương muốn phát triển thì các cháu phải đi học mới mong tiếp cận được kiến thức, công nghệ. Nếu không thì cái nghèo cứ đeo đẳng mãi".
Bất kể ngày đêm, nắng mưa
"Dù lớn tuổi, chi bộ chỉ có 7 người nhưng đồng chí Nguyễn Thị Linh Hạn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được cấp trên giao. Cá nhân đồng chí không quản ngại gian khó, miệt mài làm cầu nối giữa các nhà hảo tâm với những hoàn cảnh nghèo khó ở địa phương. Đồng chí Hạn làm công tác thiện nguyện bất kể ngày đêm, nắng mưa, hễ chỗ nào cần giúp đỡ là đến" - ông Trần Văn Út, Phó Bí thư Đảng ủy phường Phước Lộc, nhận xét.
Bình luận (0)