PGS-TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã nêu quan điểm trên VOV ngày 18-11 rằng: Nhật Bản là nước phát triển ra sao ai cũng biết nhưng chính khách của họ không phải ai cũng có bằng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Có lẽ, không có bộ máy tổ chức nào như ở ta có số lượng cán bộ có bằng cấp cao nhiều đến vậy. Đó là khởi nguồn của câu chuyện bằng giả, một lãnh đạo có tới 4, 5 bằng. Đâu nhất thiết lãnh đạo cứ phải có nhiều bằng cấp? Năng lực thực chất mới là vấn đề quan trọng…
Ý kiến của PGS Lê Quý Đức đã nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận. Bạn đọc Nguyễn Văn Vũ viết: "Vì sao không để cán bộ, công chức chỉ tập trung vào chuyên môn để không phải khổ sở, mất thời gian lo đối phó với bằng cấp?".
PGS-TS Lê Quý Đức- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nói về chuyện sính bằng cấp, bạn đọc Thuongnguyen thẳng thắn chia sẻ: "Tôi học xong đại học năm 1989, sau khi học xong tôi cảm thấy "mệt" và nghĩ rằng thôi không học nữa. Song khi nhìn các lãnh đạo xã, phường, người nào cũng ít nhất 3 bằng đại học thật đáng nể, làm tôi có chút xao động. Tuy nhiên, có một sự thật là nhiều bậc phụ huynh có "nhiều" bằng cấp nhưng khi con cái nhờ chỉ giải một bài toán phương trình bậc 2, tất cả đều trả lời "ba, mẹ quên hết rồi". Tôi nhận ra rằng bằng cấp nhiều để làm gì, khi con cái nhờ có một chút kiến thức cơ bản mà không biết".
Bạn đọc Nguyen Dung cũng nói thẳng: "Nhân chuyện cán bộ có nhiều bằng cấp, tôi đã nghe và thấy trong thực tế như sau: "học giả- bằng giả" (nghĩa là không học, mua bằng giả); "học thật- bằng giả" (nghĩa là đi học nhưng thi không đậu, nên mua bằng giả); "học giả- bằng thật" (là chả cần đi học, chỉ ghi danh thôi, cuối cùng có bằng thật do mối quan hệ quen biết). Chuyện này ai cũng biết, nhưng chưa biết bao giờ sẽ "phá án" câu chuyện này?".
Bạn đọc Trần Hồ Vũ Nguyên thì bức xúc: "Đã có nhiều trường hợp có nhiều bắng cấp nhưng khi xảy ra sai phạm thì nói do trình độ năng lực còn hạn chế, không thấy khoe có nhiều bằng cấp . Rõ ràng do "học giả- bằng thật" đã ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của xã hội".
Với bạn đọc Hao Bui thì đã thấy rõ chuyện sinh bằng cấp gây ra nhiều tác hại là một thực tế đang tồn tại, vấn đề quan trọng là khi nào mới mạnh dạn "bỏ" chuyện "sính" bằng cấp, không xem bằng cấp là tiêu chí quan trọng hơn cả năng lực thực sự khi đề bạt, cất nhắc làm lãnh đạo.
Bạn đọc Nông Dân đúc kết "Con người có hai cái quan trọng đó là nội dung (thực chất) và hình thức. Thực chất sẽ quyết định thành bại mọi việc, còn hình thức thì không. Thực chất chính là năng lực của một người, còn bằng cấp chỉ là hình thức".
Bình luận (0)