xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đâu rồi ứng xử văn minh

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Những chứng tật xấu trong tâm tính, sinh hoạt đời sống của người Việt ngày càng phơi lộ trong thời toàn cầu hóa

Giữa tháng 7 vừa qua, 2 du khách Việt Nam buộc phải nộp phạt tổng cộng 2.000 euro chỉ vì ăn cắp 3 cặp kính tại một cửa hàng ở Thụy Sĩ. Hai du khách có máu tham nói trên đã bị cảnh sát bắt giữ, gặp rắc rối pháp lý, mất tiền nộp phạt và điều đáng nói nhất là làm mất thể diện quốc gia.

Từ tiểu xả láng, trộm cắp vặt…

Chuyện người Việt Nam ra nước ngoài du lịch, học hành, công cán giở trò ăn cắp vặt xem ra cũng chẳng còn mới mẻ gì. Thậm chí, đã có một số nơi cực đoan, đi đến kỳ thị, như: treo bảng thông báo cảnh giác với người Việt và điều này từng khiến dư luận trong nước phản ứng mạnh mẽ. Nhưng qua sự việc những thiểu số “đạo chích” đã làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh quốc gia như đã nêu, mới thấy sức ảnh hưởng khủng khiếp của nhân cách, lối hành xử hay trách nhiệm của từng cá nhân đã tác động mạnh lên thể giá, uy tín của cộng đồng đất nước ra sao.

Cũng trong tuần qua, tờ Daily Mail đưa tin một ca sĩ Việt Nam đã không đưa con trai vào toilet vệ sinh mà cho ngồi tè thẳng vào túi nôn ở khoang ghế máy bay. Chuyện xảy ra trong chuyến bay từ Hà Nội đi TP HCM. Tờ báo trên mô tả người mẹ xinh đẹp, ăn vận thời trang, móng tay sơn 10 màu khác nhau, lại đang đi trên chiếc Airbus A350-900 (loại máy bay thế hệ mới mà Vietnam Airlines vừa tiếp nhận hồi đầu tháng 7-2015) nhưng mọi thứ lại tương phản với hành xử văn minh nơi công cộng. “Cô ta đã xé một cái túi nôn và cho con trai tè vào đó. Nước tiểu đã xì ra tứ tung. Một tiếp viên hãng bay đến hỏi cô ấy lý do không đưa con vào toilet vệ sinh nhưng thậm chí cô ấy còn không ngó mặt tiếp viên” - Daily Mail ngày 23-7 viết.

 

Minh họa: KHỀU
Minh họa: KHỀU

 

Có thể mức độ “lệch chuẩn” của 2 hành xử trên - trộm cắp và cho con tiểu vào túi nôn trên máy bay - là khác nhau nhưng giống nhau ở một chỗ: xuất phát từ thói quen hành xử rất xấu nơi công cộng, từ chỗ không kỷ luật và tôn trọng những nguyên tắc cơ bản trong hành xử văn minh cần có mà dẫn đến không tôn trọng chính mình. Chuyện cho con tè vào túi nôn có thể xuất phát từ thói quen (rất xấu) của những phụ huynh bạ đâu cho con tè ra đó, dù là nơi công cộng, chốn đông người cần giữ vệ sinh chung nhưng không biết rằng từ việc một đứa trẻ được cha mẹ ủng hộ việc “tiểu tùy tiện” đó đến hành xử tương tự theo thói quen của một người trưởng thành sẽ rất gần, rồi sau đó là chuyện coi thường những nguyên tắc giữ vệ sinh nơi công cộng. Việc một người tiện tay bỏ vào túi mấy món hàng hiệu ưa thích, đôi khi thực ra cũng không có nghĩa là kẻ cắp không có khả năng mua nhưng cái chính là thói xấu, tính tham lam trong con người đó đã không được chế ngự dẫn đến coi thường sự công minh, ưa làm chuyện gian dối. Kháng thể văn hóa quá yếu, nhận thức văn minh chưa đủ mạnh để lướt thắng “cái muốn”.

Thói xấu “thó” một món hàng đến chuyện bất tín trong làm ăn kinh doanh, trong mọi hành xử xã hội là dễ hiểu.

Đến chuyện “một bộ phận không nhỏ”

Trong tuần qua, Bộ Công an vừa bắt Giang Kim Đạt, nguyên Trưởng Phòng Kinh doanh của Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin thuộc Tập đoàn Vinashin. Theo cáo buộc, ông này đã chiếm đoạt gần 19 triệu USD và chuyển nhiều tiền tham ô, hối lộ ra nước ngoài. Khác với một số vụ tham nhũng trước đây, chi tiết khiến dân tình bất ngờ nhất trong vụ này chính là vì sao chỉ là một cán bộ nhỏ - ở cấp một trưởng phòng trong một công ty con của Tập đoàn Vinashin, còn trẻ tuổi đời như thế (38 tuổi) - mà đã có thể làm được việc đó. Như vậy, trong khối doanh nghiệp nhà nước, với hệ thống quản trị kinh tế như hiện nay, ở những chức vụ lớn hơn, có gốc “bự” hơn, có thâm niên kinh nghiệm và lão luyện hơn trong “xoay xở” thì mức độ tham nhũng sẽ thế nào?

Và tổn hại về kinh tế cho đất nước từ những vụ việc như vậy thì ai cũng đã thấy nhưng điều quan trọng nhất là sau khi “bể” ra những sự việc thế này, đó chính là một thực tế tiêu cực khác: ảnh hưởng rất nhiều đến cách nhìn, thái độ hợp tác của bên ngoài với Việt Nam một khi môi trường kinh tế thị trường mà sự công minh lại thiếu vắng.

Trong cuốn sách nổi tiếng có tựa “Start-up Nation” (“Quốc gia khởi nghiệp”, đã có bản dịch tiếng Việt), 2 tác giả Dan Senor và Saul Singer giải thích khá khái quát về sự thành công của đất nước Israel ngày nay. Một trong những chi tiết khiến người viết bài này nhớ nhất đó chính là cuốn sách đã cắt nghĩa điều làm cho một quốc gia từ chỗ người dân sống ly tán phải đi thuê đất, mua đất để “khởi nghiệp đất nước” đã trở thành một đất nước phát triển như ngày nay là nhờ tinh thần chiến binh. Tinh thần chiến binh ở đây được hiểu là sự tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc, kỷ luật, sự dấn thân sống có trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc mình nơi mỗi công dân. Điều quan trọng nhất của tinh thần chiến binh đó chính là lý tưởng gắn kết đời sống của mình với một sinh mệnh lớn hơn, vì cộng đồng, dân tộc và nhân loại tốt đẹp để sáng tạo. Người Nhật cũng đã làm được nguyên tắc này trong công cuộc kiến thiết nên một quốc gia hùng mạnh về mọi mặt.

***

Quy tội cho chuyện ăn cắp, tham nhũng, bừa bãi làm xấu hình ảnh quốc gia thì đã rồi (và có lẽ sẽ còn quy tội hoài!). Đầu thế kỷ XX, khi xã hội Việt Nam tiếp xúc với phương Tây, nhiều trí thức Tây học, đặc biệt rõ nhất là học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đã nhìn sâu vào những thói hư tật xấu của người Việt để mổ xẻ, tự trào. Trong suốt cuộc đời làm báo của mình, cụ Phan Khôi cũng ôn tồn chỉ ra những chứng thói khó chấp nhận của người Việt. Nhưng cho đến nay, người Việt vẫn còn vướng rất nhiều thói xấu, mà từ đầu thế kỷ XX đã được chỉ ra. Vậy mới biết sức ì của lề thói xã hội thật nặng nề.

Nhưng trong thời toàn cầu hóa, đã đến lúc phải nhìn thấy rõ chuyện mỗi hành vi phản văn minh của một cá nhân có thể làm vấy bẩn hình ảnh một quốc gia thì có lẽ sự điều chỉnh không còn chờ đợi ở những vận động tự nhiên hay tính tự giác trong nhận thức từng cá thể nữa mà cần đến những sách lược cụ thể trong giáo dục, thậm chí cần hình thành những bộ nguyên tắc hành xử có tính pháp lý và thuyết phục để văn minh chung được mọi công dân tôn trọng và tuân thủ.

Phải văn minh như một điều kiện, trang bị cần thiết để hội nhập hay là chấp nhận bị cô lập, bỏ lại phía sau?

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo