Chỉ trong vòng hơn 2 tuần, trên cùng một cung đường Quốc lộ 1A qua TP HCM đoạn từ ngã tư Linh Xuân đến cầu vượt Trạm 2 (quận Thủ Đức) đã xảy ra liên tiếp 4 vụ tai nạn giao thông thảm khốc do xe container gây nên, cướp đi sinh mạng 4 người. Và chỉ trong 2 ngày, tại nút giao thông cầu vượt Trạm 2 trên cung đường tử thần này đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông thương tâm cướp đi sinh mạng 3 người, trong đó có vụ tai nạn ngày 8-4 đã làm tan nát cả một gia đình nghèo.
Tai nạn giao thông vẫn là nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi phải đi ra đường, 2013 là năm tai nạn giao thông giảm nhiều trên cả số vụ và số người chết nhưng vẫn còn ở con số gần 30.000 vụ và số người chết, bị thương cũng xấp xỉ con số đó, số tai nạn này liên quan 70% đến xe 2 bánh. Riêng TP HCM, số vụ tai nạn trên 5.000 vụ với số người chết và bị thương trên 5.200 người, 70% tai nạn do phụ nữ và đa số người chết là biển số xe ngoài tỉnh, tai nạn thảm khốc thường do xe container va quệt với xe 2 bánh.
Nguyên nhân: Tai nạn giao thông bao giờ cũng do 3 nhóm chính: người tham gia giao thông, phương tiện và tình trạng hạ tầng xuống cấp hoặc không phù hợp; các rủi ro nhiều nhất vẫn là vượt tốc độ và lấn làn, người lái uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm và đeo dây an toàn và chở trẻ em không an toàn. Tuy số người chết trên số dân vẫn còn cao so với trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá khá cao trong việc thực hiện kéo giảm tai nạn giao thông thông qua các quy định bắt buộc về đội mũ bảo hiểm, nghiêm cấm tài xế uống rượu bia khi lái xe…
Qua các tai nạn giao thông thương tâm có liên quan đến xe container và xe 2 bánh tại TP HCM vừa qua, chúng ta thấy ngoài các nguyên nhân do người lái và phương tiện giao thông, còn xuất hiện các nguyên nhân do thiếu các quy định mang tính pháp lý và do thiết kế, tổ chức giao thông chưa hợp lý.
Khác với các nước trên thế giới, đặc điểm dòng xe Việt Nam là dòng xe hỗn hợp với mật độ xe 2 bánh (xe đạp và xe máy) quá cao, riêng tại vùng ven các đô thị lớn thì lượng xe tải nặng và container quá nhiều. Dòng xe đã phức tạp nhưng các tuyến đường đều bị quá tải, lề đường luôn bị lấn chiếm che khuất tầm nhìn và các biện pháp tổ chức giao thông như biển báo, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu… lại cực kỳ khó hiểu. Nếu không có một khung pháp lý đầy đủ đồng bộ và các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý hiệu quả, dựa trên cơ sở các đặc điểm giao thông Việt Nam thì khó giảm được tai nạn giao thông một cách ổn định, bền vững.
Trước hết, nói về các cơ sở pháp lý, Luật Giao thông đường bộ Việt Nam vẫn chưa có các quy định an toàn cụ thể cho phương tiện xe container, các phương tiện vận tải công cộng, cả xe 2 bánh và người đi bộ khi tham gia giao thông trong đô thị, đặc biệt chưa có quy định về bảo hộ an toàn giao thông cho trẻ em. Về vận tốc giới hạn thấp hơn quy định khi tham gia giao thông trong đô thị vẫn chưa được các địa phương nghiên cứu và ban hành cụ thể để giảm bớt tai nạn tùy tình hình giao thông thực tế địa phương. Riêng về giới hạn thời gian và vận tốc xe container chạy ở ngoại thành để hạn chế tai nạn giao thông thì hầu như chưa được quan tâm.
Về thiết kế và tổ chức giao thông, không nên cho xe container có “điều kiện” chạy lấn làn và giao cắt với xe 2 bánh. Trên đoạn đường thẳng, cầu vượt, dứt khoát phải có dải phân cách cứng. Tại các giao lộ, không cho trộn dòng (giao cắt do dòng xe rẽ phải hoặc rẽ trái), ví dụ tại giao lộ cầu vượt Trạm 2 xảy ra tai nạn vừa rồi, không cho dòng xe 2 bánh chạy thẳng mà phải chạy vòng ra xa lộ Hà Nội và quay lại. Lâu dài, Việt Nam nên nghiên cứu tổ chức làn xe HOV (High Occupancy Vehicles) để giảm bớt tai nạn và ùn tắc giao thông.
Ngoài ra, cũng phải nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ, liên tục công tác thẩm tra và thẩm định an toàn giao thông đã được Chính phủ quy định với các dự án đầu tư mới cũng như các dự án giao thông hiện đang khai thác, rà soát bổ sung các quy định về cấp phép lái xe, xử phạt nặng và kiểm tra kỹ thuật định kỳ xe container, cần nâng cao trách nhiệm công tác xử lý sau tai nạn như đánh giá chính xác, khách quan nguyên nhân gây ra tai nạn để xử lý cho thật hiệu quả kịp thời (nên nghiên cứu áp dụng thí nghiệm mô hình mô phỏng tai nạn giao thông giống thế giới).
Các vấn đề này liên quan đến trách nhiệm, năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý ngành giao thông, ngành công an, cả các cấp chính quyền địa phương và phải làm thật kiên trì, bền bỉ để giảm được tai nạn giao thông, cứu được mạng sống nhiều người, giảm thiệt hại cho xã hội hàng tỉ USD mỗi năm.
Bình luận (0)