xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Để điều tử tế trở nên bình thường

Đặng Trinh - Phạm Dũng - Lê Phong

Hành động cao đẹp trong xã hội không thiếu nhưng lâu nay chúng ta có thói quen chỉ nhớ những cái xấu xí, tin tức giật gân mà quên đi những điều đẹp đẽ

Mới đây, một video clip ghi lại hình ảnh các học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) cúi chào người bảo vệ trước cổng trường đã nhận được hàng ngàn chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều lời ngợi khen.

Đi tìm nguyên nhân

Không chỉ hành động đáng yêu này nhận được sự quan tâm của xã hội, nhiều câu chuyện như nhặt được tiền trả lại cho người đánh rơi, dẫn cụ già qua đường, cảnh sát giao thông đẩy giúp xe người dân qua chỗ ngập nước… cũng làm "sốt" dư luận. Vì sao những câu chuyện ngỡ như bình thường của những người tử tế, nét đẹp văn hóa của người Việt lại trở thành hiện tượng… lạ lẫm, gây ngạc nhiên và được ca ngợi?

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, xã hội, thật ra những điều tử tế, hành động cao đẹp trong xã hội không thiếu nhưng lâu nay chúng ta có thói quen chỉ nhớ những cái xấu xí, tin tức giật gân mà quên đi những điều đẹp đẽ. Hơn nữa, cứ mở mạng ra là thấy tin giật gân câu khách, nhảm nhí như: ca sĩ này mặc gì, lấy ai, biệt thự, xe hơi thế nào… nhiều hơn tin tốt. Còn phim ảnh, quảng cáo trên truyền hình, báo chí cũng không nghiêm túc. Ví dụ quảng cáo kem đánh răng không phải vì sức khỏe mà để cho hơi thở thơm tho với hình ảnh hai bạn trẻ sắp hôn nhau. Nếu cân đong đo đếm liều lượng thông tin trên báo chí, truyền hình về những điều tốt đẹp như những tấm gương hiếu học, người tốt việc tốt… so với những thông tin tiêu cực sẽ thấy chênh lệch rất nhiều.

Để điều tử tế trở nên bình thường - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cúi chào bảo vệ. (Ảnh cắt từ clip)

GS-TS Nguyễn Ngọc Phú, Tổng Thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, nhận xét một thời gian dài, nền giáo dục của chúng ta đã lầm trong việc đổ xô vào dạy chữ, xem nhẹ việc dạy người. Trong khi mối quan hệ dạy chữ - dạy người - dạy nghề thì việc hướng vào đầu tiên phải là dạy người, dạy cho học sinh hình thành được những phẩm chất cao quý như vị tha, biết sống, biết chia sẻ với người khác, trung thực… Tóm lại là biết thực sự quý trọng và có nhân cách.

Cùng quan điểm, nguyên hiệu trưởng một trường THPT tại quận Gò Vấp tâm sự ông thấy buồn khi học sinh đến trường như nghĩa vụ và thầy cô giáo là người dưng chẳng đặng đừng phải gặp. Trường học nào cũng có khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", đề cao đạo đức, nhân cách của con người, đề cao việc học làm người bên cạnh việc học tri thức, kỹ năng. Tuy nhiên, chương trình giáo dục của chúng ta lại đang quá đặt nặng kiến thức, chạy đua với thành tích mà quên đi những bài giảng đạo đức làm người. Trong khi đó, nhiều gia đình lại có tư tưởng khoán trắng con cho nhà trường mà không biết rằng đứa trẻ rất dễ ảnh hưởng bởi hành vi của bố mẹ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Khơi Nguồn, cũng cho rằng rất nhiều bậc cha mẹ không giành nhiều thời gian cho con, đặc biệt chú trọng đến điểm số của con mà ít quan tâm đến sự phát triển phẩm chất đạo đức. Khi nghe con học sa sút, họ nhanh chóng tìm thầy, cô cho học thêm nhưng hạnh kiểm suy giảm thì lại phớt lờ. Ở trường học, bộ môn giáo dục công dân cũng bị xem nhẹ, câu "Tiên học lễ, hậu học văn" trường nào cũng treo nhưng ít ai lưu tâm giảng giải bằng những câu chuyện cụ thể cho học sinh học theo.

Nhà trường, gia đình phải cùng vào cuộc

Để những điều tử tế được nhân rộng và trở thành thói quen, các chuyên gia cho rằng phải bắt đầu trong môi trường gia đình, nhà trường rồi lan tỏa từ từ.

Theo thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), nền tảng giáo dục gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tri thức của một đứa trẻ. Những học sinh ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sẽ không có những cử chỉ đẹp như vậy nếu ở nhà các em không được phụ huynh bảo ban, dạy dỗ tận tình và hơn hết là làm tấm gương cho các em.

"Tôi xem clip học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào bác bảo vệ, thấy các em làm rất tự nhiên, không phải là sự miễn cưỡng, gượng ép nên có thể nói rằng gia đình đã giáo dục, uốn nắn con những thói quen tốt để có những cử chỉ và hành động đẹp" - thầy Hiếu nói.

Còn theo bà Lê Phi Loan, nguyên giáo viên Trường Mẫu giáo Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, để hình thành thói quen tốt cho trẻ, cha mẹ, thầy cô cần phải dạy dỗ, uốn nắn trẻ từ khi bắt đầu học nói: dạy trẻ biết thưa, biết cúi đầu chào anh chị, cha mẹ, ông bà… mỗi khi chuẩn bị đi học hoặc khi đi học về. Dạy trẻ biết bảo vệ môi trường bằng cách bỏ rác đúng nơi quy định, yêu cây cỏ, thiên nhiên... Dạy trẻ biết tuân thủ Luật Giao thông từ những bài học đơn giản: đèn đỏ phải dừng, đèn xanh được chạy… Phải thường xuyên uốn nắn, dù là những hành vi, cử chỉ nhỏ thông qua sự làm gương của người lớn, dần dần sẽ ăn sâu vào tâm trí trẻ, thành thói quen tốt.

Cái tiêu cực, nhảm nhí xuất hiện đều đặn, thường xuyên dần dần sẽ tiêm vào đầu giới trẻ cuộc sống sính vật chất, quan tâm đánh giá người khác qua vẻ bên ngoài, xem nhẹ những giá trị thật sự.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo