Việc chính quyền TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương gửi thư ngỏ vận động người dân sinh sống, học tập, công tác ở xa tạm thời không về quê dịp Tết nếu không thực sự cần thiết đang tạo nhiều dư luận khác nhau.
Về quê là... rất cần thiết
Tôi có thể hiểu và thông cảm điều này, bởi khi dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, trách nhiệm của chính quyền đối với người dân địa phương trong việc giữ gìn an toàn sức khỏe, phòng chống bệnh dịch hết sức nặng nề thì việc gửi thư ngỏ - một hình thức không mang tính bắt buộc - là một giải pháp tình thế. Tôi nghĩ chính quyền địa phương chắc chắn đã rất đắn đo, cân nhắc khi phải ban hành văn bản này. Khuyến cáo này là một cách thể hiện và là một chỉ báo cho thấy chính quyền địa phương (có thể không chỉ riêng TP Thanh Hóa mà còn nhiều địa phương khác) thực sự lo lắng, cảm thấy trách nhiệm của mình trong công tác phòng chống bệnh dịch, với an toàn sức khỏe của người dân địa phương.
Tuy nhiên, bất kỳ một văn bản quản lý nào (kể cả thư ngỏ do chính quyền phát hành) cũng cần có những đánh giá tác động văn hóa - xã hội, kể cả tâm lý của quyết định đó. Tôi băn khoăn với cách diễn đạt "tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết", khi Tết Nguyên đán là rất thiêng liêng đối với người Việt và việc trở về quê sum họp, đối với nhiều người, là việc "rất cần thiết".
Người lao động xa quê luôn có nhu cầu đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Ảnh: HỒNG ĐÀO
Nhiều người con xa quê của Thanh Hóa chắc sẽ rất buồn khi được khuyến cáo không nên về quê trong dịp vô cùng đặc biệt là Tết Nguyên đán - dịp đoàn viên, báo hiếu của mỗi người dân đất Việt. Trong văn hóa Việt Nam, nếp sống Việt Nam, Tết là ngày gia đình sum vầy, ngày đoàn tụ. Rất nhiều người vất vả cả năm chỉ mong có được vài ngày về quê dịp Tết. Cảm giác bị xa lánh, kỳ thị trong dịp lễ, Tết, đặc biệt là ngày vui đầu năm mới, chắc chắn sẽ không dễ dàng gì đối với nhiều người. Vì thế, tôi nghĩ chính quyền một số địa phương nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn nữa, vừa để bảo đảm nhu cầu tình cảm, tâm linh của người dân xa quê vừa thực hiện đúng, thông suốt cả nước Nghị quyết 128-NQ/CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Thay đổi nếp nghĩ
Có người đã hỏi tôi, trong bối cảnh dịch bệnh thế này, nhiều thứ có thể thay đổi thì nếp nghĩ này có cần phải thay đổi?
Thật sự, chúng ta đang ở trong một giai đoạn hết sức đặc biệt mà ở đó, dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống và cả tính mạng của con người. Vì vậy, mỗi hành động của chúng ta cần có sự cân nhắc, thể hiện trách nhiệm xã hội của mỗi người. Tết là dịp quan trọng đối với mỗi cá nhân, gia đình và cả cộng đồng, chính vì thế, ai cũng mong muốn tổ chức một cái Tết trọn vẹn, vui vẻ và hạnh phúc bên người thân. Nhu cầu tự thân và tình cảm như vậy cần được tôn trọng và tạo điều kiện để chúng ta có thêm những gắn kết, từ đó hình thành tình cảm gia đình bền chặt và sâu xa hơn là gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa dân tộc.
Nhưng dù vậy, chúng ta cũng cần xác định rằng trong thời điểm nhạy cảm này, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình có thể được cụ thể hóa bằng sự an toàn về sức khỏe. Giữ gìn sức khỏe cho bản thân, cho gia đình cũng chính là trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân. Đó là lý do mỗi chúng ta phải hết sức cân nhắc trong việc sum vầy, đoàn tụ dịp Tết sao cho an toàn, mạnh khỏe. Điều này nên bắt đầu từ cảm nhận, nhận thức, tự giác hành động của mỗi cá nhân, để từ đó, chúng ta sẽ có thêm nhiều ngày Tết đoàn viên, vui tươi và hạnh phúc hơn.
Trách nhiệm của mỗi người
Chúng ta cần nghĩ nhiều hơn về mục tiêu kép, đó là vừa bảo đảm phòng chống dịch, giữ an toàn sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng, vừa thực hiện được tinh thần của Tết đó là sum vầy, đoàn viên, báo hiếu, thực hành nghi lễ truyền thống. Để làm được như vậy, theo tôi, mỗi cá nhân phải tự nâng cao ý thức, tuân thủ đúng quy định 5K của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, xét nghiệm Covid-19 định kỳ, quét mã QR thường xuyên... Chính cách chúng ta tuân thủ các quy định này không chỉ giúp an toàn sức khỏe cho bản thân mà còn giữ gìn an toàn chung cho cả cộng đồng, thể hiện trách nhiệm đạo đức của mỗi người, giúp mỗi gia đình và cả đất nước có một cái Tết an vui, hạnh phúc.
TSKH PHAN ĐÌNH TÂN, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật trung ương:
Cần cân nhắc cho hợp lòng dân
Phòng chống dịch, hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan cho cộng đồng là cần thiết. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam và rất nhiều dân tộc khác, Tết Nguyên đán là dịp đoàn tụ, không chỉ là nhu cầu gặp gỡ, hàn huyên, chúc tụng... mà còn là nhu cầu tinh thần, là nguồn động viên rất lớn đối với cả người đi xa về cũng như người sống ở quê nhà. Chính vì vậy, việc khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết nếu không thực sự cần thiết là rất không nên. Ở đây, hiểu như thế nào là không thực sự cần thiết? Vì nhu cầu tinh thần làm sao mà đong đếm được.
Theo tôi, địa phương lo ngại và có đưa ra biện pháp phòng bệnh từ xa như vậy là chưa thấu đáo. Ở đây không hẳn là cấm nhưng khuyến cáo ngăn chặn từ xa. Nếu Thanh Hóa thực hiện như vậy thì cần cân nhắc lại bởi đó là khát vọng, là nhu cầu chính đáng của người dân.
Trong bối cảnh dịch bệnh dễ lây lan thì việc chính quyền cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, kịp thời nhắc nhở và khuyến cáo, động viên... mọi người cần thực hiện nghiêm quy định về phòng dịch, hạn chế đến mức có thể các cuộc tiếp xúc. Dịch bệnh vừa qua cũng đã góp phần làm cho người dân có ý thức hơn về phòng dịch, vệ sinh cá nhân, cách hạn chế lây lan, đeo khẩu trang, đặc biệt là thực hiện các biện pháp y tế đã đề ra.
Từ xưa đến nay, vẫn có quan niệm rằng: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Vì vậy, theo tôi, người làm ở bộ máy công quyền cần phải thực tâm rằng nếu biết vận động người dân nâng cao ý thức, nhắc nhở, khuyến khích mọi người cùng chung tay góp sức vào công cuộc phòng chống dịch bệnh thì chắc chắn sẽ thành công, vừa hạn chế dịch bệnh vừa đón được người xa quê hương về vui Tết đoàn viên.
Luật sư TRỊNH ĐỨC TIẾN, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ (TP Hà Nội):
Tạo ra tiền lệ không hay
Tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ là sống chung an toàn với đại dịch. Năm nay, người lao động được nghỉ Tết cổ truyền tới 9 ngày nên về quê là một nhu cầu chính đáng. Việc một số địa phương vận động người dân không về quê dịp Tết cổ truyền, theo tôi, sẽ tạo ra tiền lệ không hay. Các địa phương cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 128, tránh tình trạng "ngăn sông cấm chợ".
Tôi cho rằng chính quyền các địa phương chỉ nên gửi thư ngỏ vận động người dân nâng cao ý thức bản thân trước đại dịch Covid-19. Tại sao lại gửi thư ngỏ động viên người dân không về quê dịp Tết, mà không chủ động đưa ra các hướng dẫn cho bà con các biện pháp phòng chống dịch an toàn nhất khi về sum họp dịp Tết?
Nhiều người nói không ăn Tết một năm thì có sao. Đúng thật là không sao, nhưng cái quan trọng của Tết không phải là ăn uống, mà là tụ họp gia đình sau một năm nhiều vất vả. Có thể với nhiều người, Tết năm nay không về gặp bố mẹ, có thể sau này sẽ không còn cơ hội nữa.
Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, người dân về quê ăn Tết không nên lơ là, chủ quan mà cần tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng chống dịch. Mọi người hãy chủ động phòng dịch cho bản thân và nếu có điều kiện thì xét nghiệm trước khi về nhà để gia đình yên tâm.
L.Anh ghi
Bình luận (0)