"Tết này nhà trường và các thầy cô cần tạo nhiều điều kiện cho trẻ vui chơi, giải trí, thư giãn, không được giao bài tập cho trẻ làm trong những ngày Tết" - chúng ta thường đọc ở đâu đó những khuyến nghị như vậy từ lãnh đạo ngành giáo dục hay trên báo chí. Nhưng thực tế việc thực hiện những lời khuyên đó ra sao thì còn là dấu hỏi.
Ngay ngày mùng 1 Tết năm rồi, tôi ghé thăm gia đình người chị, hình ảnh gây chú ý đầu tiên là đứa cháu ngoại đang học lớp 9 của chị bày sách vở đầy trên bàn học, ngồi đăm chiêu suy nghĩ rồi cặm cụi viết cái gì đó trong tập. Tôi cất tiếng hỏi sao cháu không đi chơi với bạn cho vui thì được đáp muốn đi chơi, đi thăm ông bà lắm nhưng không dám vì phải làm mấy bài tập làm văn và bài tập toán mà cô thầy giao làm trước khi nghỉ Tết.
Tôi nói không tin vì ai cũng nghỉ, thầy cô cũng tạo cho học sinh thoải mái thì làm gì có chuyện đó. Đứa cháu quả quyết: "Thật đó ông, cô giáo dạy văn giao cho học sinh lớp cháu làm 25 bài văn nghị luận chứng minh, trước đó cô giao 30 bài nhưng bạn bè trong lớp than quá nên cô bớt 5 bài. Cô còn nói một bài yêu cầu chỉ làm một trang vở và thời gian chỉ mất 20 phút nên bài cô giao như vậy còn ít".
Cầm quyển sách lên xem thấy dấu hoa thị mà đứa cháu đánh dấu các đề bài của tập làm văn mà cô giáo bắt buộc làm trong những ngày học sinh nghỉ Tết mà tôi "choáng" vì yêu cầu của cô giáo quá cao. Chưa hết, đứa cháu còn kể thầy dạy toán giao cho làm 22 bài tập nữa. Số lượng bài tập lý, hóa, tiếng Anh cũng tương đương…
Tôi nghe qua câu chuyện mà bất bình, vì Tết mà thầy cô còn làm khổ học sinh. Cha mẹ cũng mất ăn mất ngủ khi nghe con than vãn không làm hết bài tập mà thầy cô giao.
Tôi được biết, câu chuyện Tết đến phải đánh vật với cả kho bài tập về nhà năm nào cũng diễn ra ở rất nhiều trường học. Đó là điều không nên. Hãy để học sinh có thời gian nghỉ Tết đúng nghĩa, được quây quần bên gia đình, thăm thú họ hàng, đi các điểm tham quan thú vị… Đừng biến không khí mùa xuân trở nên nóng nực, áp lực, bức bối đối với các em, phụ huynh và ngay cả với thầy cô.
Bình luận (0)