Thời gian vừa qua, dư luận rất bức xúc trước tình trạng những người nghèo ở trọ tại các TP lại phải trả tiền điện với cái giá đắt đỏ. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc với nhiều giải pháp khác nhau, nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế. Bởi vậy, đại đa số người dân đi thuê phòng trọ vẫn không được hưởng định mức điện để được mua điện theo giá bình thường.
|
Những quy định vô lý
Trước hết cần phải nói rằng chính quyền các TP lớn khi mở ra hàng loạt khu công nghiệp, trường đại học đã không lo đủ nơi ở cho người lao động, cho sinh viên. Vậy là các chủ nhà trọ đã “gánh” lấy việc này. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng người đi thuê trọ phải trả giá điện cao vẫn chính là những quy định rất lòng vòng và vô lý của ngành điện và Bộ Công Thương. Gần đây nhất Thông tư 05 đã ra đời thay thế Thông tư 11 có một số điều chỉnh theo hướng thoáng hơn, nhưng cũng không giải quyết được điều gì. Ngành điện vẫn nắm đằng chuôi và dồn mọi khó khăn lên cho người đi thuê trọ, cho chủ nhà trọ.
Tại sao chúng ta lại cứ bắt buộc người đi thuê trọ phải tự liên hệ với điện lực để làm hợp đồng cung cấp điện? Sao lại cứ bắt chủ nhà phải bảo lãnh thì người thuê trọ mới được ký hợp đồng với ngành điện? Sao lại cứ bắt buộc mỗi phòng trọ phải có đủ 4 người? Rồi còn quy định hợp đồng thuê trọ phải từ đủ 12 tháng trở lên mới được hưởng giá điện bình thường!... Tất cả đều là những quy định rất vòng vèo, khó khăn cho cả ngành điện lực, cho cả chủ nhà trọ và cho người đi thuê trọ. Thử hỏi có chủ nhà trọ nào dám bảo lãnh trả tiền điện thay cho người đi thuê trọ không? Giả sử một người nghèo từ một tỉnh xa xôi đưa người bệnh đến TP để điều trị 7 tháng, người đó thuê một phòng trọ để ở thì cũng phải chịu giá điện cắt cổ chỉ vì hợp đồng thuê trọ chưa đủ 12 tháng sao? v.v... Tất cả những quy định lắt léo và vô lý này theo tôi nghĩ ngành điện cũng như Bộ Công Thương cần xem xét lại và bãi bỏ.
Nên nghĩ tới những giải pháp khả thi
Tôi kiến nghị ngành điện xem tất cả các chủ nhà trọ là đại lý bán điện. Trong đó, bắt buộc tất cả các chủ nhà trọ phải ký hợp đồng đại lý với ngành điện lực. Tất cả các phòng trọ đều được gắn điện kế riêng bất kể phòng trọ đó có bao nhiêu người ở, ở trong thời hạn bao lâu.
Giá điện bán lẻ cho từng phòng trọ sẽ do ngành điện ấn định. Chủ nhà trọ được hưởng như là khoản hoa hồng dành cho đại lý (thu tiền, phòng rủi ro) và bù đắp các hạng mục dùng điện phục vụ chung cho toàn khu trọ (đèn chiếu sáng, bơm nước...).
Về phía chính quyền địa phương, bắt buộc các chủ nhà trọ khi tới đăng ký tạm trú cho người thuê trọ phải yêu cầu chủ nhà xuất trình hợp đồng đại lý bán điện với ngành điện lực. Yêu cầu này nhằm bắt buộc các chủ nhà trọ phải chủ động làm việc với ngành điện.
Đây là những quy định đơn giản hơn rất nhiều và có lợi cho nhiều bên và có thể đem lại hiệu quả tức thì cho cả người đi thuê trọ và người chủ nhà trọ. Nếu chúng ta không có những giải pháp khả thi mà cứ duy trì những quy định như hiện nay thì khả năng người thuê trọ nghèo được hưởng giá điện bình thường sẽ còn rất xa vời. Thậm chí, kể cả khi Nhà nước đứng ra xây phòng trọ thay thế cho phòng trọ tư nhân thì người đi thuê trọ cũng không thể được mua điện giá bình thường.
Bình luận (0)