Những ngày qua, dư luận khá ồn ào quanh chuyện nông dân xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp dùng xi-măng bón cho lúa. Trước thực trạng trên, các nhà khoa học cảnh báo chỉ là lợi trước mắt, còn hậu quả thì lâu dài, đất canh tác sẽ hư hỏng, những mùa sau sẽ thất bát.
Bạn đọc Nguyễn Thành Luận bày tỏ: “Đối với nông dân, tìm được phương thức làm tốt lúa, họ sẽ rất mừng. Vấn đề là nhiều loại phân bón đang bày bán, vì sao nông dân không sử dụng? Ai là người hỗ trợ nông dân trong việc chăm sóc ruộng đồng?”.
Thực tế, nhiều năm qua, người trồng lúa phải tự “bơi”, từ việc bón phân gì, sử dụng thuốc trừ sâu như thế nào đến chọn giống ra sao… “Đáng buồn hơn, việc kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu... đã không được các cơ quan chức năng làm tốt. Bất cứ lúc nào nông dân cũng có thể mua trúng hàng kém chất lượng, hàng giả bày bán tràn lan ở rất nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp” - bạn đọc Nguyễn Văn Trường bày tỏ.
Người nông dân rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan ban, ngành để canh tác có lãi
Nhiều bạn đọc không giấu được thất vọng. “Các ban bệ đều có đủ, từ Bộ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hội nông dân, tổ chức khuyến nông... Rồi mỗi năm nhà nước đầu tư số tiền không nhỏ cho ngành nông nghiệp nhưng thực tế những nơi này đã giúp được gì cho nông dân phát triển sản xuất? Khi được mùa thì kể công, lấy đó làm thành tích điển hình của mình. Khi mất mùa thì trốn biệt, chẳng hỗ trợ gì cho nông dân. Các doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp cũng thế, tổ chức tập huấn, thử nghiệm cũng chỉ để đua nhau bán sản phẩm. Khi nông dân thiếu tiền có ai dám cho họ ứng trước vật tư để sản xuất đâu!” - bạn đọc Trần Hiếu bức xúc.
Nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng số đông nông dân vẫn nghèo. Tình trạng được mùa - mất giá diễn ra hết năm này đến năm khác. Ai cũng hiểu nguyên nhân phần lớn là do sự “đạo diễn” của các doanh nghiệp liên quan nhưng có cơ quan nào khống chế, xử lý để nông dân nhờ?
“Không chỉ lúa mà các sản phẩm nông nghiệp khác cũng thế, hô hào trồng, đến khi thu hoạch thì chẳng biết bán cho ai. Cây ca cao sau vài năm phát triển đã phải chặt bỏ. Cây bông vải làm bao gia đình mất vốn sau khi trồng. Cây cam, quýt cũng lao đao không kém...” - bạn đọc lấy tên “Nông Dân” chỉ ra.
Bình luận (0)