Nếu đặt câu hỏi: "Người dân còn niềm tin vào giáo dục nữa hay không?", tôi nghĩ nhiều người sẽ trăn trở bởi niềm tin ấy đã từng bị lung lay do những gian lận thi cử chấn động trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
"Cơn chấn động" giáo dục xảy ra như nước tràn bờ cuốn phăng nhiều giá trị mà khó khăn lắm người ta mới tạo dựng được. Bắt đầu từ những phản ánh điểm thi bất thường ở Hà Giang xuất hiện trên mạng xã hội, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh. Ai có thể tưởng tượng được những người thầy đạo mạo với chức trách "cầm cân nảy mực" liên quan đến số phận của hàng ngàn học sinh lại cả gan "phù phép" 330 bài thi của 114 thí sinh. Không phải nâng 1, 2 điểm, có thí sinh được "tặng" đến 29,95 điểm. Đáng nói hơn, sau Hà Giang là Sơn La, Hòa Bình với hàng loạt vi phạm được "chỉ mặt đặt tên".
Mới đây, 15 bị cáo liên quan đến vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình bị đưa ra xét xử. Dư luận một lần nữa giật mình với những phát ngôn ấn tượng của các bị cáo trước tòa.
"Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". Câu biện hộ chua chát, mỉa mai của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí) đã làm dậy sóng dư luận mấy hôm nay. Giữa cách sống "gù" chung chạ với cái xấu, cái sai, cái tiêu cực và "thẳng lưng" một cách trong sạch, đàng hoàng, tiếc thay nhiều người vì sợ "khuyết tật" đã chọn cúi đầu. Lẽ nào cuộc đời chỉ toàn kẻ sâu mọt, điều xấu xí, tiêu cực? Không, cái xấu ở đâu cũng có, chỉ có điều không bao giờ có thể lấn lướt và che lấp đi sự tử tế, tốt đẹp. Bởi ngoài ánh sáng của công lý, chúng ta còn neo đậu niềm tin vào lương tri, đạo đức con người.
Cộng đồng mạng cũng không thể nhịn cười với câu biện hộ: "Con cái chúng tôi bị nâng điểm" được các vị phụ huynh buông ra trong phiên tòa. Những đứa trẻ tuổi 18 bước vào ngưỡng cửa mới của cuộc đời sẽ trưởng thành với nhân cách ra sao khi bố mẹ sử dụng đồng tiền, các mối quan hệ và sự gian dối để tạo nên tương lai cho họ? Họ sẽ nghĩ gì và phải hiểu ra sao khi nghe bố mẹ cao giọng phản pháo: "Con tôi bị nâng điểm", "Trả lại danh dự cho chúng tôi" trong khi thực tế ra sao, họ là người hiểu rõ nhất?
Bất cứ vi phạm nào, rồi cũng phải trả giá. Dẫu đớn đau vô cùng khi nhìn vết ố bẩn của giáo dục và sự xói mòn niềm tin của bao người nhưng mong rằng công lý vẫn luôn là điểm tựa để bao người có thể "thẳng lưng" mà chẳng sợ "khuyết tật!
Bình luận (0)