Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về vụ tai nạn giao thông xảy ra vào tối 10-2 tại khu vực đậu xe trước nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất làm 11 người bị thương. Theo lời khai của tài xế Nguyễn Duy Tân, anh ta đã quên cài thắng tay trong khi xe vẫn nổ máy, sau đó đạp nhầm chân ga làm chiếc Audi chồm lên tông hàng loạt người.
Chủ yếu do tài xế chủ quan
Cách đây không lâu cũng xảy ra trường hợp tương tự ở huyện Ea H’leo (Đắk Lắk). Lưu Thị Thanh Tuyền (ngụ thị trấn Ea Đ’răng, huyện Ea H’leo) cầm lái chiếc ô tô 7 chỗ lao vào đám đông ở chợ thị trấn Ea Đ’răng khiến 2 người chết, 8 người bị thương. Theo lời khai của Tuyền, cô đã đạp nhầm chân thắng sang chân ga.
Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới cũng có rất nhiều vụ tai nạn ngoài ý muốn xảy ra liên quan đến việc người lái xe đạp nhầm chân thắng với chân ga. Theo các chuyên gia, việc này là do người lái xe chủ quan, sơ suất. Cụ thể, trong trường hợp tài xế Nguyễn Duy Tân, có thể khi dừng xe, Tân đã không cài xe về chế độ “mo” (N) hoặc chế độ đậu (P) mà chỉ tạm thời không đạp ga nên xe dừng lại. Chính vì vậy, khi có sự cố, Tân vội vàng xử lý nên đã nhầm chân ga với chân thắng. Một số người đưa ra giả thiết: Có thể khi không cài các chế độ N hay P, lúc thấy xe “trôi” (xe đi tới hoặc lùi nếu có độ dốc), Tân vội vàng đạp thắng nhưng đã nhầm sang chân ga. Đặc biệt, dòng xe Audi có thắng cài tự động, không phải kéo thắng tay nên người lái càng dễ quên nếu không quen xe. Một người am hiểu nhiều dòng xe khác nhau cho biết với chiếc Audi này, lực xe rất mạnh, chỉ cần không làm chủ được chân ga, chân thắng mà đạp mạnh một cái thì tốc độ xe phóng rất nhanh, lúc đó nếu có đạp chân thắng cũng phải mất một khoảng cách để xe dừng.
Tuân thủ nguyên tắc cơ bản
Theo kỹ sư Kiều Hữu Đức (Công ty CP Ô tô Trường Hải, chuyên gia tư vấn chương trình Vững tay lái - Trọn niềm vui trên Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM), đối với xe tự động, nguyên tắc cơ bản mà người lái xe phải ghi nhớ là bật đèn xi-nhan ít nhất 10 m trước khi tấp xe vào lề, sau đó phải cài xe về chế độ P và kéo thắng tay khi dừng xe lâu. Trong trường hợp chỉ tạm dừng xe chờ đèn đỏ hoặc hỏi đường thì chuyển về chế độ N và kéo thắng tay. Nếu không, chỉ cần một chút lơ đãng, xe có thể chuyển động, lúc đó thiếu bình tĩnh lại trong tư thế không thuận lợi, rất dễ đạp nhầm chân ga, gây tai nạn.
Ông Đặng Văn Tiền, giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm Đào tạo lái xe Hoàng Gia (quận 3, TP HCM), cho biết chế độ lái xe tự động và xe số sàn có một số điểm khác nhau, nhất là chân côn. Đối với xe số sàn, mỗi khi đạp thắng đều phải đạp côn nên lỡ có đạp nhầm ga thay vì đạp thắng thì máy chỉ rú lên chứ xe không di chuyển. Đối với xe số tự động, do không có côn nên đạp thắng hay đạp ga cũng đều có tác dụng. Khi xe số tự động đang chạy, chỉ cần đạp thắng là xe dừng lại; buông thắng ra, xe chạy tiếp.
“Ở Việt Nam, thông thường, những người học lái xe đều phải học và thi lái xe số sàn, trong khi xe số tự động chiếm phần lớn thị trường xe ở Việt Nam. Vì vậy, khi chuyển sang lái xe tự động, nhiều người sẽ lúng túng. Tốt nhất là nên tập lái xe tự động ở nơi vắng người cho quen với chân thắng, chân ga. Điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh để xử lý tình huống vì nếu càng rối hoặc mất bình tĩnh thì càng dễ nhầm lẫn giữa chân ga và chân thắng” - ông Tiền khuyên.
Theo các chuyên gia, để hạn chế việc đạp nhầm chân ga khi thắng, tài xế phải bình tĩnh, đặc biệt là hình thành thói quen đúng khi lái xe: tư thế ngồi thoải mái, luôn “rời chân ga - rà chân phanh”, dừng - đỗ đúng cách.
Bình luận (0)