Sau khi Báo Người Lao Động ngày 18-1 thông tin về việc UBND quận 1 (TP HCM) đề xuất mở rộng phố đi bộ Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão) vì sẽ có nhiều lợi ích, phóng viên ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Rất sợ xe máy tông
Kiến trúc sư (KTS) Lê Ngọc Thịnh, Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, cho biết hiện tại phố đi bộ Bùi Viện đang "thiếu hồn". Dù có mở rộng đi chăng nữa thì cũng chỉ là con phố với nhiều hàng quán, đông đúc du khách đến vui chơi. Nhìn rộng hơn, đây là nơi tụ họp của đa sắc tộc văn hóa và tới đây rất khó tìm những món quà mang dấu ấn TP HCM.
"Hiện tại các cửa hàng, dịch vụ mọc lên mang tính tự phát và vào các ngày bình thường du khách đi dạo rất lo sợ bị xe máy tông. "Nếu ai đến phố đi bộ ở TP Pattaya (Thái Lan) sẽ thấy diện tích ở đó rất giống ở phố đi bộ Bùi Viện nhưng du khách ngoài việc tham quan, ăn uống còn được xem đấu võ Thái, trình diễn ca múa nhạc cổ truyền Thái Lan... Điều này tạo sự trải nghiệm và khám phá cho du khách" - ông Thịnh so sánh.
Đoạn từ đường Đỗ Quang Đẩu đến Cống Quỳnh đang được đề xuất để mở rộng phố đi bộ Bùi Viện
Ảnh: HOÀNG TRIỀU
KTS Võ Huỳnh Long (TP HCM) cũng cho biết hiện tại phố đi bộ Bùi Viện vẫn chưa mang dấu ấn đặc sắc. Người dân, đặc biệt du khách nước ngoài, khi đến đây không được trải nghiệm một chương trình, hoạt động mang dấu ấn bản sắc và văn hóa ở Việt Nam.
"Gần như 70% các cửa hàng ở đây là quán nhậu, nhà hàng, quán bar. Nói một cách vui là phố bia dành cho khách Tây thì đúng hơn. Thi thoảng mới bắt gặp mấy cửa hàng ẩm thực Việt hoặc mấy phòng tranh nên khó để lại ấn tượng lớn cho du khách" - KTS Võ Huỳnh Long nhìn nhận. Ông cũng cho biết việc đầu tư đợt 1 để chỉnh trang đường Bùi Viện thành phố đi bộ nhưng chỉ là nâng cấp vỉa hè, gắn thêm bảng hiệu mà không đầu tư hoạt động đường phố đi kèm nên khách đến đây chủ yếu ăn và uống bia.
"Muốn phố đi bộ Bùi Viện thành công phải quan tâm đến 3 yếu tố. Thứ nhất, nên cấm xe lưu thông vào phố này 7 ngày trong tuần, bắt đầu từ 19 giờ đến 3 giờ hôm sau. Đối với các hộ dân, cửa hàng bên trong tuyến phố thì được phép dắt bộ xe vào ra khu vực bên trong phố. Cách quy hoạch này đang được rất nhiều nước như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... áp dụng. Thứ hai, tăng cường bảo đảm an ninh trật tự. Tuyệt đối không để xảy cảnh hàng rong chèo kéo, cướp giật, móc túi như hiện nay. Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động đường phố, ẩm thực vùng miền để tạo cảm giác trải nghiệm văn hóa ở Việt Nam tại tuyến phố này" - KTS Võ Huỳnh Long góp ý.
Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP HCM, cho rằng nên cấm xe lưu thông ở phố đi bộ Bùi Viện 24/24 giờ và tổ chức chương trình biểu diễn văn nghệ đường phố theo khung giờ, di chuyển từ đầu phố đến cuối phố, vừa tạo cho du khách sự mới mẻ vừa giúp tạo nên văn hóa đường phố.
Ý tưởng hay
KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS TP HCM, đánh giá đề xuất mở rộng phố đi bộ Bùi Viện là ý tưởng hay và gợi ý có thể kéo nhánh vào đường Đề Thám, thậm chí cả các hẻm lớn thông nhau trong tứ giác Đề Thám - Bùi Viện - Đỗ Quang Đẩu - Phạm Ngũ Lão để tạo thành một khu phố đi bộ. Khi có một không gian như vậy thì rất thuận lợi trong việc quảng bá du lịch.
KTS Nguyễn Trường Lưu đề xuất đơn vị quản lý nên có những tính toán, chương trình, kịch bản và giao cho người dân làm để cùng TP tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho phố đi bộ này. Khi thông được các hẻm thì cuộc sống người dân cũng khởi sắc hơn, từ đó họ có kinh phí tự chỉnh trang nhà cửa để tiếp tục thu hút khách. Trong bối cảnh TP có nhiều chương trình chỉnh trang đô thị nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế thì có thể khuyến khích các hộ dân cùng TP chỉnh trang lại đô thị theo quy hoạch. Trước đây là một tuyến đường thì có thể không có nhưng bây giờ là một khu phố tập trung thì phải có quy hoạch đồng bộ phục vụ cuộc sống riêng của phố đi bộ. Phải chuẩn bị trước các thành phần thiết yếu như không gian vui chơi, an ninh, bãi giữ xe...
Ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), cho biết quy mô của phố đi bộ Bùi Viện ngày càng đông và phát triển nên nhiều hộ dân ở đường Bùi Viện (từ Đỗ Quang Đẩu đến Cống Quỳnh) và đường Đỗ Quang Đẩu cũng muốn được kéo dài để hút khách. Mặt khác, nếu 2 khu vực này được tổ chức thì giao thông sẽ thuận lợi hơn do phương tiện bị chặn lại ở ngay đầu đường, chỉ có người đi bộ thì các đoạn đường này không bị lộn xộn. Phường này cũng đang kiến nghị UBND quận 1 bố trí thêm 4 bãi giữ xe ở các tuyến đường Đỗ Quang Đẩu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học và giao cho lực lượng Thanh niên Xung phong TP đảm trách. Khi đó, người dân có thể gửi xe ở các đầu đường và đi bộ vào, giảm áp lực giao thông trên đường Phạm Ngũ Lão và Cống Quỳnh. Hiện kinh phí hoạt động của phố đi bộ được sử dụng bằng nguồn xã hội hóa từ việc cho thuê quảng cáo.
Không để ảnh hưởng sinh hoạt của dân
Trước đề xuất của UBND quận 1 về mở rộng phố đi bộ Bùi Viện, lãnh đạo UBND TP HCM cho biết đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, sau đó báo cáo UBND TP xem xét, quyết định. Theo UBND TP, không để việc mở rộng phố đi bộ Bùi Viện ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhất là phải kiểm soát chặt chẽ tệ nạn xã hội, an ninh trật tự; vệ sinh môi trường cũng phải bảo đảm.
Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Tá Hoàng Vũ cũng thông tin sở này hoàn toàn đồng ý với đề xuất của quận 1.
P.ANH
Bình luận (0)