Trong vài thập niên gần đây, đi đôi với quá trình phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa bùng nổ, đã xuất hiện khái niệm “khu vực không chính thức”. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ hoạt động kinh tế quy mô nhỏ, trong đó có cả người bán hàng rong.
Sản phẩm của đô thị hóa
Đặc điểm của những người bán hàng rong là địa điểm buôn bán không cố định, ít vốn, không có tay nghề, chưa qua đào tạo. Nhiều người trong số họ là người nhập cư từ nông thôn, phục vụ chủ yếu cho cộng đồng người có thu nhập thấp. Họ không được hưởng những chương trình phúc lợi, giáo dục, tín dụng… của nhà nước. Nói chung, hoạt động của họ, nhà nước không kiểm soát được.
“Khu vực không chính thức” là sản phẩm tất yếu của quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa ở các nước đang phát triển. Những điều tra gần đây cho thấy chỉ tính riêng khu vực ĐBSCL có gần 19 triệu dân, tỉ lệ thất nghiệp có thể đạt đến con số 25%. Trước tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn ở ĐBSCL, miền Trung, Tây Nguyên, dự báo mấy năm tới, con số đói nghèo, thất nghiệp sẽ tăng vọt... Đây có thể là áp lực rất lớn về dân số đối với TP HCM bởi những người này nếu di dân lên TP kiếm sống sẽ góp phần làm tăng đáng kể “khu vực không chính thức”. Đó là một thực tế không thể né tránh, vấn đề còn lại là nhà nước nhìn nhận “khu vực không chính thức” như thế nào (cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực) và các chính sách, giải pháp.
Những người thuộc “khu vực không chính thức” còn là sản phẩm của lịch sử, họ cần cù nhẫn nại, chịu thương chịu khó, lương thiện… Nếu không có cách làm cho họ thoát nghèo thì đừng làm cho họ khó khăn thêm. Trật tự đô thị là chuyện đáng làm nhưng phải làm có bài bản, không thể theo cung cách ngẫu hứng, nóng vội.
Không bỏ quên, dù là một phần nhỏ cư dân
Nhìn ở góc độ người quản lý, người thi hành công vụ, trật tự đô thị là mục tiêu phải hướng tới, nhiệm vụ phải hoàn thành. Tuy nhiên, khi hoạch định chính sách, quy hoạch kinh tế - xã hội ở cấp độ vĩ mô, nhà quản lý đã thiếu tầm nhìn, thêm vào đó là căn bệnh nóng vội, giản đơn, tư duy hành động mang tính nhiệm kỳ...
Trước đây, khi tiến hành xây cầu Mỹ Thuận, công ty tư vấn nước ngoài đã tổ chức điều tra đối với những hàng quán mưu sinh ở 2 đầu bến phà Mỹ Thuận. Họ muốn biết khi cầu đã hoàn thành, những người buôn bán ở đây sẽ chuyển đổi làm nghề gì để mưu sinh? Điều tra không chỉ để đó mà họ có phương án hỗ trợ. Vẫn biết có cầu Mỹ Thuận là ước mơ của cư dân ĐBSCL và nó góp phần thay đổi diện mạo kinh tế của cả vùng nhưng điều đó không có nghĩa bỏ quên một bộ phận nhỏ cư dân sinh sống nhờ vào 2 đầu bến phà.
Câu chuyện trên cũng gợi cho ta suy nghĩ và cách hành xử đối với hàng rong. Ngay cạnh chúng ta, Thái Lan duy trì một chính sách nhân đạo là tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn người thất nghiệp có được cơm ăn áo mặc nhờ sống dựa vỉa hè, không câu nệ bởi những tiêu chí văn hóa mang tính hình thức; ngược lại, xây dựng thành một nét văn hóa mang tính bản địa, phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển, lối sống của người dân Thái Lan. Họ đưa ra các chính sách phù hợp đối với việc khai thác và sử dụng vỉa hè bằng các biện pháp quản lý hợp lý, thuế và các ràng buộc với người được sử dụng vỉa hè. Tại Malaysia, Singapore, Indonesia cũng vậy. Vỉa hè được coi là cơ hội kiếm sống chính đáng của hàng chục vạn người dân thủ đô, giúp thực hiện xóa đói giảm nghèo.
Quay lại TP HCM, nên chăng, hãy bắt đầu bằng một kế hoạch ở tầm quốc gia, dài hơi, kiên trì, không nóng vội dẹp hàng rong trong khoảng 10 năm, giảm dần từng năm cho đến khi TP không còn hàng rong. Bằng cách thực hiện chương trình xây dựng các khu trung tâm buôn bán thực phẩm, chợ…, đưa người bán hàng rong vào buôn bán ở những nơi cố định, được cấp giấy phép, được dự các khóa học về vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-4
Vừa mềm dẻo vừa kiên quyết
Chia sẻ kinh nghiệm về việc lập lại trật tự lòng lề đường ở địa phương, ông Trần Minh Tú - Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM - cho biết phường không để xảy ra các điểm nóng khi lập lại trật tự lòng lề đường.
“Khi phát hiện người dân bán hàng rong ở chợ tự phát, việc đầu tiên là cán bộ phường sẽ khóa xe để lập biên bản nhắc nhở và ghi hình để làm bằng chứng. Nếu họ bỏ đi thì thôi, không đuổi theo để hạn chế những tai nạn đáng tiếc. Vào những lần tuần tra sau, nếu họ vẫn cố tình vi phạm, cán bộ sẽ tịch thu phương tiện. Người bán hàng rong vì nghèo khó nên mới vi phạm. Vì vậy, cần có các giải pháp giúp họ thoát nghèo. Đối với các hộ dân thuộc phường quản lý, UBND phường sẽ hỗ trợ vốn để họ chuyển đổi nghề, học nghề hoặc giới thiệu vào các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đang cần lao động. Trường hợp có đủ vốn thì giới thiệu vào các gian hàng trong chợ. Phải vừa mềm dẻo vừa kiên quyết thì người dân sẽ ủng hộ” - ông Tú chia sẻ.
S.Đông
Bình luận (0)