TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM:
Phải nói cho dân hiểu
Nhà quản lý nên cân nhắc giữa thiệt hại của người dân với lợi ích cộng đồng. Khi quyết định dẹp buôn bán, lấn chiếm vỉa hè phải giải thích cho người dân để họ đồng thuận hy sinh lợi ích nhỏ, trước mắt vì lợi ích lớn, lâu dài của cộng đồng. Nếu chính quyền cứ làm theo biện pháp hành chính thì mặc dù đúng nhưng do không hiểu, người dân sẽ phản ứng khi quyền lợi của họ bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc của chính quyền là phải làm cho người dân hiểu.
Đơn cử, khi dẹp vỉa hè một đoạn đường, chính quyền họp tổ dân phố ở khu vực đó để phân tích lợi - hại cho người dân hiểu thì hiệu quả mới lâu dài. Nếu chỉ dẹp theo phong trào, người dân không đồng thuận thì khi lực lượng chức năng đi rồi, họ lại bày ra. Chính quyền không đủ lực lượng để đứng canh từ ngày này qua ngày khác nên cần những biện pháp căn cơ. Nếu không tính toán kỹ thì có thể đạt được hè thông đường thoáng nhưng lại mất lòng dân.
Ngoài ra, chúng ta thường hô hào trả lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng cần phải hiểu rõ tỉ lệ người đi bộ chiếm bao nhiêu phần trăm. Cách đây vài năm, tôi chụp một bức hình trên đường Điện Biên Phủ cho thấy người đi bộ chỉ lác đác nhưng phía dưới đường xe cộ chật cứng. Việc cấm xe máy đi trên vỉa hè là đúng nhưng trong những trường hợp cụ thể như kẹt xe hoặc tai nạn giao thông thì chính CSGT đã từng hướng dẫn người dân đi lên vỉa hè để sớm giải tỏa ùn tắc chứ không nên cứng nhắc vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ. Dẹp vỉa hè thì nên nghiên cứu và áp dụng vào từng khu vực cụ thể chứ không làm đại trà giống nhau giữa các tuyến đường.
Kiến trúc sư Trần Quang Hiếu:
Chụp hình, bêu xấu người vi phạm
Năm 2016, trên một số diễn đàn mạng đăng tải bức ảnh một người đàn ông điều khiển ô tô dừng giữa đường để tiểu bậy. Bức ảnh đó nhận được sự phản ứng, chê trách của cộng đồng mạng, sau đó, lực lượng chức năng đã vào cuộc và xử phạt hành chính đối với hành vi này. Vậy sao chúng ta không tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để đăng tải những hình ảnh xấu, phản cảm này từ đó nâng cao ý thức của người dân?
Tôi đang viết một bức tâm thư gửi đến UBND TP HCM và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP đề xuất chụp hình, bêu tên người vi phạm. Cụ thể, Sở GTVT TP HCM lập một tài khoản Facebook kêu gọi người dân tham gia gửi hình ảnh người vi phạm về đó. Bước đầu nên thí điểm tại một số tuyến đường trung tâm quận 1. Việc đăng tải sẽ không tốn nhiều chi phí vận hành; tác động đến ý thức của nhiều người; người bị bêu hình ảnh sẽ xấu hổ, không tái phạm; giảm quá trình tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; lực lượng chức năng có thể căn cứ vào hình ảnh này mà tiến hành phạt nguội.
Mỗi năm tổ chức 2 đợt tổng kết, trao thưởng cho người đóng góp hình ảnh nhiều hoặc người có bức ảnh ấn tượng để khuyến khích người dân tham gia. Chỉ cần đăng 1 năm, sau đó gỡ bỏ để người bị bêu hình ảnh có điều kiện sửa sai. Tất nhiên, không đăng hình ảnh của người dưới 18 tuổi.
Muốn thay đổi ý thức người dân phải thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết và nên điều chỉnh một số quy định luật pháp. Không loại trừ trường hợp đăng hình lên mạng xã hội sẽ dẫn đến một số hậu quả không mong muốn nhưng chỉ cần khóa và tổ chức kiểm duyệt bình luận là có thể phát huy được cách làm này. Tôi tin chỉ cần áp dụng khoảng 1 năm, người dân TP HCM sẽ không dám chạy lên vỉa hè, các hàng quán không dám lấn chiếm.
Bạn đọc Đỗ Ngô Trần:
Phải làm đồng bộ, công bằng
Để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm và chạy xe máy trên vỉa hè, mới đây, nhiều tuyến đường tại quận 1 được lắp đặt các thanh barie. Trước đó, tuyến đường Võ Văn Kiệt tại quận 5 được lắp đặt hệ thống rào chắn đoạn dài 500 m gần Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Dù những việc này giúp cho vỉa hè thông thoáng hơn nhưng vẫn phát sinh những bất tiện cho người khuyết tật, người già, trẻ nhỏ…, nhất là vào ban đêm. Chưa nói đến rào chắn trên vỉa hè trông rất phản cảm, cái mất lớn nhất là chính quyền bất lực trước những người thiếu ý thức khi tham gia giao thông chạy xe trên vỉa hè hoặc lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, để xe...
Thiết nghĩ, ưu tiên hàng đầu là lấy lại vỉa hè đã bị lấn chiếm, rồi phân loại khu vực nào được sử dụng vỉa hè mà không cản trở giao thông. Tiến tới quy hoạch nơi dành riêng cho người dân tập trung buôn bán trên những tuyến đường có vỉa hè đủ rộng và vạch ranh giới, ai vi phạm bị phạt nặng. Ngoài ra, phân loại những người bán hàng rong để tạo điều kiện cho họ chuyển đổi công việc, nghề nghiệp. Nên chọn thí điểm trên một số tuyến đường để giải quyết dứt điểm, sau đó mở rộng địa bàn, cá nhân thực thi công vụ chịu trách nhiệm rõ ràng.
Điều quan trọng là ra sức xử lý một cách đồng bộ, công bằng. Cần sự quyết tâm phối hợp giữa các địa phương để giải quyết tốt những trường hợp nằm trên địa bàn giáp ranh. Có lẽ một trong những giải pháp hữu hiệu vẫn là tăng cường tuần tra, kiểm soát có hệ thống để nhắc nhở và xử lý nghiêm sai phạm mỗi ngày. Chính sự xuất hiện thường xuyên của các cơ quan chức năng khiến người lưu thông e ngại, không dám chạy xe lên vỉa hè hay ngang nhiên xem vỉa hè là sở hữu riêng của mình.
Bạn đọc LÝ VĂN DAO:
Sao lại bắt người đi bộ chịu rủi ro?
Việc lắp barie trên vỉa hè gây nguy hiểm cho người đi bộ, vì sao lại vì vài người vi phạm mà bắt người đi bộ phải chịu rủi ro? Vì vậy, tôi đề xuất: 1. Lắp camera để phạt nguội; 2. Giao các phường quản lý. Nếu phường nào để xảy ra sai phạm thì cách chức chủ tịch phường; 3. Các phường lập tổ trật tự giao thông không hưởng lương, chuyên đi tuần tra và phạt người vi phạm. Tiền phạt dùng để trả công cho đội này (tất nhiên phải xin cơ chế).
Nhiều giải pháp khả thi
Diễn đàn “Đòi lại vỉa hè, dễ hay khó?” khởi đăng từ ngày 15-2 đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của độc giả. Các biện pháp khả thi đã được đưa ra, như: quy trách nhiệm người đứng đầu, dùng luật pháp để chế tài, thay đổi ý thức người dân, thậm chí là cả chụp hình bêu xấu trên mạng… Tuy nhiên, dù sử dụng giải pháp nào thì cần nhất vẫn là làm cho dân hiểu và phải thực hiện đồng bộ, công bằng.
Bình luận (0)