Trận lũ lịch sử xảy ra tại các tỉnh miền Trung đã gây tổn thất nặng nề cho người dân. Nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện đã đứng ra kêu gọi, vận động, nhận hỗ trợ và trực tiếp đi cứu trợ cho bà con vùng lũ. Tuy nhiên, để việc quyên góp, cứu trợ được thiết thực, hiệu quả, an toàn thì cần lưu ý nhiều vấn đề.
Tìm hiểu kỹ nơi đến
Đầu tiên, cần tìm hiểu thông tin nơi mình sẽ đến cứu trợ để nắm được tình hình cụ thể về mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của người dân. Hiện nay, các phương tiện truyền thông cập nhật liên tục, chính xác thông tin về nơi xảy ra thiên tai hay những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi nắm dữ liệu thì định hình được nơi đến đang ra sao, cần giúp đỡ những gì nhằm lên kế hoạch kỹ lưỡng, cụ thể cho việc vận động cứu trợ, sử dụng phương tiện di chuyển và tính toán giải pháp đối phó với những khó khăn trên đường đi.
Khi đã có nguồn kinh phí từ việc huy động, cần nhanh chóng lên phương án và làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương (UBND, MTTQ các cấp huyện, xã) để cập nhật tình hình mới nhất. Bởi chính quyền địa phương sẽ hiểu rõ về cơ cấu dân số cũng như mức độ thiệt hại của các hộ dân cùng khả năng kinh tế của mỗi hộ. Từ đó, người làm công tác thiện nguyện sẽ có phương án hợp lý về số lượng tiền, hàng, cân đối được nguồn đóng góp, lên kế hoạch tặng quà, hiện vật, hiện kim theo danh sách...
Người dân huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) khốn khổ vì bùn đất sau khi lũ rút Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Có thể làm phiếu phát trước cho người dân để tại buổi phân phối, người dân cầm phiếu lên nhận tiền, hàng cứu trợ trong trật tự, an toàn; còn nhà hảo tâm sẽ kiểm soát được việc phân phát đến đúng nơi, đúng đối tượng, tránh trường hợp có hộ nhận nhiều lần, hộ khác không có gì.
Với những vùng đang bị lũ lụt, nước dâng cao, người dân không đi lại được, người làm thiện nguyện nên đi theo từng nhóm cùng với sự hỗ trợ của cán bộ chính quyền địa phương để bảo đảm an toàn và đến được từng nhà phân phối tiền, hàng cứu trợ.
Cần có quy định rõ ràng
Thực tế, việc các cá nhân, tổ chức từ thiện tự tổ chức vận động và phân phối tiền, hàng cứu trợ đến từng hộ mà không làm việc trước với chính quyền địa phương sẽ gây ra những hệ lụy nhất định. Cụ thể, việc đem theo số tiền, hàng có giá trị lớn đến từng hộ dân để phân phối sẽ tiềm ẩn những rủi ro.
Trở ngại lớn nhất là từ xa đến không thông thạo địa lý, không rành địa hình, đường đi nên có thể bị lạc đường, gặp tai nạn đáng tiếc, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Bên cạnh đó, việc đem theo một số tiền lớn trong người sẽ khó tránh được những rủi ro trên đường đi như trộm, cướp.
Ngoài ra, việc phân phát tiền, hàng cũng mang tính chủ quan, không xác định được tổn thất cũng như khả năng kinh tế của hộ gia đình cần giúp để tính toán và phân phối tiền, hàng cứu trợ hợp lý.
Một điều mà nhiều người làm thiện nguyện rất quan tâm đó là pháp luật cần có quy định mở và rõ ràng hơn để bảo đảm hành lang an toàn pháp lý cho những người đang tự nguyện làm những việc này.
Theo quy định pháp luật hiện hành, việc tổ chức vận động, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện được thực hiện theo Nghị định 64/2018/NĐ-CP. Theo đó, chỉ có một số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, đó là: Ủy ban MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, cơ quan thông tin đại chúng ở các cấp trung ương và địa phương; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Chính phủ; các tổ chức, đơn vị được Ủy ban MTTQ các cấp cho phép.
Phải nhìn nhận rằng dù pháp luật không có quy định cấm cụ thể các cá nhân, tổ chức khác không được vận động, tiếp nhận và phân phối, cứu trợ nhưng việc quy định theo phương pháp liệt kê các tổ chức, cơ quan được quyền vận động, nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ sẽ không bảo đảm hành lang an toàn pháp lý cho các nhà hảo tâm thực hiện nghĩa cử của mình.
Việc vận động, quyên góp, cứu trợ xuất phát từ truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta mà mỗi cá nhân đều mong muốn được san sẻ phần nào sự mất mát, tổn thất với những người dân gặp thiên tai, hỏa hoạn, sự cố hay bị bệnh hiểm nghèo. Do đó, nếu giới hạn chủ thể được vận động, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ một cách cứng nhắc sẽ không thể hiện đúng tinh thần thiện nguyện xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của mỗi cá nhân.
Vì vậy, kiến nghị cần sửa đổi quy định trong Nghị định 64/2008/NĐ-CP, theo đó các cá nhân, tổ chức khác cũng được tổ chức, vận động và phân phối tiền, hàng cứu trợ để việc cứu trợ thể hiện đúng bản chất và ý nghĩa của sự việc.
Người dân vùng thiên tai cần gì?
Kéo đôi chân sau 7 ngày ngâm nước, ông Lê Trong Hý (ngụ xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) rầu rĩ: "Đầu ngón chân mưng mủ, gót chân bị nứt, nhức lắm". Vậy nên, mấy hôm trước có nhóm từ thiện đến tặng tuýp kem bôi da, cả xóm chia nhau để bôi. Lũ lụt cũng làm cho giếng bị bẩn, người dân phải mua nước suối để uống.
"Nước và thuốc là hai thứ sau lũ bà con cần nhất" - ông Hý nói. Ông Hý cũng cho biết từ hôm nhận cứu trợ đến giờ, cả gia đình đã có gần 10 chiếc áo phao trong khi ở đây mỗi năm đều đối mặt với lũ lụt, bà con ai cũng đều chủ động trang bị áo phao, nhà kê gác lửng phòng hờ nước dâng quá cao có nơi để trú.
"Thấy các đoàn thiện nguyện từ phương xa đến, chúng tôi mừng và trân trọng lắm; cũng không dám đòi hỏi gì. Nhưng áo phao đã quá nhiều, giờ đây chúng tôi cần chăn ấm, dụng cụ quét dọn và đặc biệt là gạo vì các nhà máy xay xát đã hỏng" - ông Hý chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều nhóm tình nguyện than thở việc mua áo phao, đèn pin gặp nhiều khó khăn, thậm chí giá thị trường trước bão chỉ 39.000 đồng/chiếc, nay đã tăng gấp đôi.
Anh Lê Thành Phú, chủ cửa hàng thực phẩm tại huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), cho biết các tiệm tạp hóa vẫn bày bán khá nhiều mì tôm, gạo, muối... Riêng cửa hàng anh liên tục nhập nước bình để bán cho người dân, một số chỗ không có điện nên cần dầu lửa để thắp sáng. "Theo tôi, nên mua gạo tặng bà con thay vì mì gói. Cùng số tiền đó có thể mua được nhiều ký gạo, nấu cơm ăn được với nước mắm, cá khô, rau thì tốt hơn ăn mì dài ngày" - anh Phú gợi ý.
Tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị nước đã rút 2 ngày nhưng con đường dẫn vào xã Cam Hiếu bùn và xác chết động vật vẫn đầy rẫy; cột điện gãy đổ, nhà cửa đầy bùn non. Bồ đựng lúa mọc mầm coi như tài sản tích trữ mất trắng.
"Từ đầu năm đến nay xảy ra 2 đợt dịch Covid-19, chúng tôi đã sử dụng toàn bộ số tiền tích góp bao nhiêu năm. Nay lũ ập đến, hoa màu mất trắng, không thu hoạch được gì, cuộc sống thật sự rất khó khăn. Bây giờ chúng tôi cần nhất là tiền mặt để có thể mua sắm thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt sau lũ" - ông Vũ Tài (71 tuổi) thở dài nói.
L.Phong - Đ.Nghĩa
Bình luận (0)