Đã có nhiều thông tin lo ngại về việc có khả năng Trung Quốc trả đũa Việt Nam vì phản đối vụ giàn khoan Hải Dương 981 bằng cách rút các dự án đang đầu tư và không cho các doanh nghiệp nhà nước dự thầu ở Việt Nam, từng bước làm khó chúng ta về kinh tế. Thế nhưng, đây cũng là cơ hội để chúng ta tự cường.
Cơ hội mở con đường mới
Xuất khẩu là chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Mất nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc chỉ ảnh hưởng ngắn hạn vì Việt Nam có thể thay thế bằng thị trường nguyên liệu rẻ khác từ ASEAN, Ấn Độ…
Đối với các dự án năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, cần tiếp tục thực hiện các dự án bằng cách huy động vốn (trái phiếu, ODA, khoản vay đặc biệt...). Có thể có vấn đề ở chỗ nhà thầu Trung Quốc làm dự án tổng thầu EPC (Engineering Procurement and Construction - thiết kế, mua sắm, thi công) nên họ đưa tiêu chí, công nghệ, thiết bị của họ vào; bây giờ thay thế bằng tiêu chí, công nghệ, thiết bị khác thì sẽ khó khăn. Vì vậy, các chủ đầu tư cần nghiên cứu ngay từ bây giờ cách thế chân nhà thầu Trung Quốc khi họ rút. Chính phủ cần thanh tra các dự án có vấn đề “giá rẻ”, làm rõ chất lượng thực sự so với yêu cầu trong hồ sơ mời thầu; làm rõ các “sai lệch” của nhà thầu đã bị chủ đầu tư thông đồng, móc ngoặc để bỏ qua trong triển khai sau đấu thầu; rà soát các nghị định, thông tư, bịt “lỗ hổng” trong hướng dẫn luật đấu thầu, đối chiếu với thông lệ quốc tế theo FIDIC (Fédération Internationale des Ingénieurs - Liên đoàn Quốc tế các kỹ sư tư vấn).
Việt Nam phải tạo ra một môi trường thực sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước. Sự bình đẳng này phải được thể hiện trên mọi lĩnh vưc kinh tế, pháp luật để tạo được sức mạnh phát triển và bảo vệ đất nước.
Nếu Trung Quốc gây cản trở về kinh tế, đây không những chỉ là thử thách cam go mà còn là cơ hội cho Việt Nam tự vươn lên, hội nhập với thế giới văn minh. Chắc sẽ phải chịu khó một thời gian, phải chịu thắt lưng buộc bụng; bỏ chi tiêu xa xỉ, thôi sử dụng tài nguyên phung phí, đồng lòng vì nghĩa vụ chung. Bù lại, đây là cơ hội mở con đường mới, là dịp để ta thoát khỏi chất lượng kém của Trung Quốc ở các nhà máy phát điện, dầu khí... nhằm nâng lên hàng chất lượng G7. Sẽ có khó khăn, tốn kém nhưng sẽ được bù đắp bởi sự vận hành trôi chảy, ít phải ngừng hoạt động để sửa chữa và thay phụ kiện, về lâu dài sẽ bù lại cho khoản đầu tư cao lúc đầu...
Hiện lợi nhuận của ngành than Việt Nam phụ thuộc 100% vào xuất khẩu. Trong khi đó, từ trước đến nay, thị trường tiêu thụ than phụ thuộc vào Trung Quốc đến 50% về sản lượng và 80% về tăng trưởng. Năm nay, Trung Quốc đã giảm mạnh và sẽ không còn nhập khẩu than của Việt Nam nữa. Ngành than phải tự điều chỉnh bằng cách quản lý chặt hơn, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước…, nhờ đó cũng không thể lỗ.
Tự trách mình và điều chỉnh
Trung Quốc to lớn hơn Việt Nam về mọi mặt. Nền kinh tế nước ta từ trước đến nay bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc là do cả 2 phía đều muốn giao thương như thế. Bây giờ nếu họ muốn “nghỉ chơi” thì chỉ cần phía Việt Nam cũng đồng ý, thế là hết phụ thuộc.
Mọi cuộc chia tay đều có giá phải trả cả về vật chất và tinh thần. Nhiều người phê phán phía Trung Quốc là đúng nhưng cũng phải biết tự trách mình trước. Tại sao ở nhiều nơi, người Trung Quốc thuê được đất, thuê được rừng mà không cần giấy tờ gì? Đó là vì quan chức địa phương lờ đi cho họ làm… Nên nhớ rằng muốn đầu tư, muốn mua bán ở Việt Nam thì phải xin được giấy phép. Ở đâu cũng vậy. Người Trung Quốc có thể mua cổ phiếu của 1 công ty Mỹ nhưng muốn mua toàn bộ công ty để điều hành thì phải đăng ký xin giấy phép đầu tư và chính phủ Mỹ có thể ngăn lại vì an ninh quốc gia. Còn muốn gửi người vào làm việc thì từng người phải xin visa làm việc, chứ không thể tự động mà vào, phổ biến như ở Việt Nam.
Ngoài ra, năng suất lao động của chúng ta rất thấp, vì thế đừng tự an ủi là “dân số vàng” nữa! Hiệu quả đầu tư còn khiêm tốn nên hãy bớt tự hào về “thu hút nguồn vốn” ODA/FDI. Tài nguyên thiên nhiên thì nghèo nàn, dân số thì đông nhưng chất lượng cuộc sống và chất lượng được đào tạo rất thấp. Vậy tiềm lực ở đâu để mà thực hiện theo khẩu hiệu “phát huy nội lực”, “dựa vào nội lực”!?
Nhìn ra thế giới, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Myanmar đã chủ động có ý chí, âm thầm “thoát Trung” bằng nhiều cách. Sự kiện biển Đông là cơ hội để chúng ta nhìn lại, đánh giá thật kỹ, biết mình là ai, đang ở đâu và củng cố nhiều mặt, từng bước đi lên bằng nội lực của chính mình.
Nếu không “chơi” với Trung Quốc thì về mặt tổng thể vĩ mô sẽ có cái hay là tạo ra “cung” mới, như TS Lê Đăng Doanh nói: Trong “nguy” có “cơ”, đồng thời thị trường sẽ cân bằng lại giữa 2 quan điểm trọng cung và trọng cầu mà hiện nay đang lệch về phía trọng cung.
Bình luận (0)