Trong quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đã phát lộ một di tích Chăm nằm giữa tim đường (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Các nhà khoa học đánh giá đây là di tích rất có giá trị, giúp giải mã nhiều bí ẩn về văn hóa Chăm-pa. Tuy nhiên, số phận của di tích này đang được đếm lùi từng ngày.
Rất quý
Liên quan đến di tích này, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Nam, cho biết đã gửi văn bản báo cáo và đề nghị Bộ VH-TT-DL cho ý kiến về hướng xử lý sau khai quật nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi từ bộ. Theo ông Tịnh, di tích này là một phần trong khu phế tích Chăm có tên Triền Tranh. Hiện Viện Khảo cổ học đã khai quật 2.000 m2, còn 1.000 m2 chưa khai quật.
Theo TS Lê Đình Phụng, Trưởng Phòng Nghiên cứu khảo cổ học lịch sử - Viện Khảo cổ học, Trưởng Ban Cố vấn khoa học khai quật di tích Triền Tranh, trong diện tích vừa khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều thành phần kiến trúc gồm: hệ thống tường bao dài khoảng 60 m cùng ngói, gạch, thanh đá bậc cửa, đồ đất nung Chăm, gốm sứ Đại Việt thời Trần, gốm sứ nước ngoài (Trung Quốc, Islam)... “Nhiều khả năng, khu phế tích này là nơi giảng kinh sách quy mô lớn, sử dụng lâu dài từ khoảng thế kỷ IX đến thế kỷ XII” - ông Phụng đánh giá.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng di tích nằm sát với miệng hầm đường cao tốc, nếu nắn đường sẽ gây nguy hiểm cho giao thông nên tỉnh đề xuất với Bộ VH-TT-DL di dời di tích.
Làm cầu vượt?
TS Lê Đình Phụng đánh giá di tích này rất quý bởi các lý do: quy mô di tích lớn, kéo dài trong lịch sử, mang đậm tính chất Bà la môn giáo. “Đây là một đóng góp mới cho việc nghiên cứu văn hóa Chăm trên lĩnh vực lịch sử và tôn giáo. Di tích này gắn chặt với Trà Kiệu, Mỹ Sơn như một tổng thể chung trên vùng cố đô của người Chăm. Trước kia có những vấn đề chúng ta chưa hiểu được, giờ có nó thì ta hiểu được bản chất của di tích ấy là gì” - ông Phụng nhìn nhận.
Cũng theo ông Phụng, chuyện di dời di tích phải tùy vào các trường hợp cụ thể. Việc di dời phải có ý kiến của các nhà chuyên môn và phù hợp với Luật Di sản văn hóa. Trong từng trường hợp sẽ có hướng xử lý khác nhau, có thể lấp lại để giữ di tích, có thể di dời về bảo tàng, có thể lưu trữ bằng công nghệ 3D…
Ông Hoàng Việt Hưng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho biết dù đơn vị thi công đang rất nóng lòng muốn sớm có mặt bằng để thi công nhưng phải chờ khai quật xong di tích và có ý kiến cuối cùng của Bộ VH-TT-DL. Trong trường hợp cần thiết thì phương án làm cầu vượt để tránh di tích sẽ được tính đến nhưng kinh phí thực hiện sẽ rất lớn.
Bình luận (0)