Việc một thanh niên ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ bị đâm chết do thuê nhạc sống về hát thâu đêm trong tiệc thôi nôi của con mới đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng nhạc sống ngày càng náo loạn, gây mất an ninh trật tự.
Đám gì cũng... hát
Chiều 24-2, trên phần đất trống bên hông cầu Ấp Mỹ (thuộc đường dẫn cầu Cần Thơ; phường Thường Thạnh, quận Cái Răng), người dân địa phương và khách đi đường ngán ngẩm khi chứng kiến những bàn tiệc sinh nhật được xếp ra kèm với những thùng loa “khủng bố”.
Trời vừa sụp tối, chủ nhân của bàn tiệc là một thiếu niên còn trong độ tuổi học sinh bước ra chào bạn bè đến chung vui. Tiệc vừa mở, tiếng nhạc đã vang ầm ĩ, những bạn trẻ bắt đầu đứng lên uốn éo, hò hét để cổ vũ tinh thần cho một giọng ca non choẹt đang thể hiện bài hát Mắt nai cha cha cha mà có lẽ chỉ có người hát mới hiểu họ đang hát gì. Và cứ thế, chiếc micro không dây được chuyền từ tay người này sang người khác với mục đích ai cũng được “hét” cho thỏa thích đến gần nửa đêm. Chỉ khổ người dân xung quanh phải trân mình chịu đựng.
Chuyện nhạc sống ầm ĩ như thế ngày càng phổ biến. Đám cưới, đám hỏi, đám thôi nôi và cả đám ma... người ta cũng thuê dàn nhạc về hát. Cách đây không lâu, tại phường 14, quận 4, TP HCM, khi trong nhà có một người mất, em trai người qua đời thuê một dàn nhạc chơi “sống” suốt đêm. Càng về khuya, “pê-đê” kéo tới càng đông và hát đủ loại nhạc chế tục tĩu. Cả xóm không ai ngủ được nhưng cứ nghĩ là đám ma, thôi thì đành ráng chịu! Đến gần sáng, mẹ người đã mất không thể chịu nổi, bước ra quát: “Mày không dẹp vụ hát hò thì mai mày làm luôn đám ma cho tao”. Lúc đó, ban nhạc mới chịu dừng.
Cũng tại khu vực này, hầu như tuần nào cũng có đám tiệc thuê nhạc sống về hát với đủ loại giọng ca, bia rượu lè nhè đến nửa đêm. Người dân gọi điện báo cho chính quyền địa phương nhưng bao lâu nay tình hình chẳng thấy cải thiện.
Án mạng vì... karaoke
Việc hát hò ồn ào trong khu dân cư từ lâu đã gây bức xúc cho người dân. Nhiều vụ cãi vã, đánh nhau, thậm chí giết người cũng xuất phát từ nguyên nhân này. Vừa qua, Lô Văn Viện (SN 1990), Vi Văn Định (SN 1989) và Quang Văn Tân (SN 1991, cùng quê Nghệ An) đã bị Công an tỉnh Bình Dương bắt tạm giam vào ngày 30-9-2014 để điều tra về hành vi “Giết người”.
Tối 29-9-2014, Lô Văn Thìn tổ chức ăn nhậu với nhóm bạn tại phòng trọ ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Vừa nhậu, Thìn vừa mở karaoke lớn tiếng làm ảnh hưởng đến nhiều người khác cùng khu nhà trọ. Do đi làm về mệt mỏi, cần nghỉ ngơi để sáng mai tiếp tục công việc, một thanh niên ở gần phòng của Thìn sang nhắc nhở, yêu cầu giảm âm lượng. Sau khi chửi bới, Thìn đã nhờ nhóm bạn là Tân, Viện và Định đánh người hàng xóm vì dám nhắc nhở việc hát karaoke. Trong lúc đánh nhau, Tân đã dùng dao đâm chết người hàng xóm. Thìn bỏ trốn, nhóm bạn Thìn bị công an bắt giữ ngay sau đó.
Cách đây không lâu, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên phạt Lâm Kim Hiếu (SN 1972; ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) 14 năm tù về tội “Giết người”.
Tại tòa, Hiếu khai khi vợ chồng đang ngủ thì bị giật mình bởi tiếng nhạc karaoke inh ỏi vang lên từ nhà người hàng xóm. Vợ chồng Hiếu sang yêu cầu người hàng xóm là Vương Trang Thuận tắt nhạc để những gia đình xung quanh ngủ nhưng một người bạn của Thuận là Trần Lợi Lộc tiếp tục hát, đồng thời lớn tiếng hăm dọa: “Cứ hát, đứa nào lên tiếng thì lấy “hàng” chém chết”. Sáng hôm sau, thấy vợ đang lớn tiếng với Lộc về chuyện làm ồn lúc nửa đêm trước nên Hiếu xông vào cự cãi. Trong lúc hai bên xô xát, Hiếu rút dao đâm Lộc tử vong.
Nói về những vụ án như thế này, luật sư Hồ Ngọc Diệp cho biết những vụ việc đáng tiếc trên sẽ không xảy ra nếu cán bộ địa phương nghiêm khắc với những người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Nhiều nơi cứ “du di” cho qua nên dẫn đến những bức xúc nhất thời, gây ra án mạng.
Khổ thân “đờn sĩ”
Để cạnh tranh, nhiều điểm cho thuê nhạc sống yêu cầu nhạc công làm thuê cho mình phải chiều chuộng khách hàng bằng mọi giá. Chính vì thế, không ít trường hợp chủ nhân buổi tiệc đã ký hợp đồng thuê dàn nhạc chỉ vài giờ nhưng nếu kéo dài thâu đêm thì nhạc công cũng phải bấm bụng phục vụ.
“Vì miếng cơm manh áo nên phải phục vụ người thuê. Đôi lần tụi em yêu cầu dừng chơi nhạc sớm đúng như hợp đồng thì bị người hát đang say xỉn hăm dọa, chủ đòi cắt việc. Có lúc đàn hát quá khuya, những người hàng xóm của người thuê dàn nhạc kéo qua gây sự, đuổi đánh cả tụi em” - anh Phạm Luân, một nhạc công organ, tâm sự.
Bình luận (0)