Thông tin đăng tải trên Báo Người Lao Động ngày 3-11 về việc Thượng tá Võ Đình Thường, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt (Phòng CSGT- PC 67) Công an tỉnh Đồng Nai, được điều chuyển về làm Phó trưởng Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC 64) một lần nữa khiến dư luận tiếp tục dậy sóng.
Một cán bộ CSGT từng bị kỷ luật nặng liên quan đến mãi lộ vẫn lòng vòng thăng tiến liên tục ở các vị trí lãnh đạo trong ngành và sau đó lại liên quan đến những "lùm xùm" khiến người dân bức xúc.
Hết người đủ năng lực rồi hay sao?
Cho rằng việc điều chuyển thượng tá Thường là không bình thường mặc dù lãnh đạo phòng CSGT cho là bình thường, bạn đọc Nhiên và bạn đọc Khải Ký nhận xét việc điều chuyển này "có vấn đề" khi dư luận đang sôi sục vì những vấn đề nhạy cảm liên quan vị thượng tá.
Bên cạnh đó, việc điều chuyển ông Thường từ phòng này sang phòng khác và vẫn làm… sếp khiến dư luận cho rằng đây là kiểu giơ cao đánh khẽ. "Chuyển lòng vòng chi cho mệt vậy, từ phó phòng này chuyển sang phó phòng kia sao ông ấy chịu nổi?" - bạn đọc Nhiên và bạn đọc Khải Ký đồng nhận xét.
Sau khi thượng tá Võ Đình Thường ký giấy mời các tài xế liên quan BOT Biên Hòa lên làm việc đã bị dư luận phát hiện nhiều điều gây "bão"
Trong khi đó, nhiều độc giả khác cho rằng việc điều chuyển thượng tá Thường như trên chỉ là động thái tránh… bão. Người dân cho rằng đây là bão dư luận và "bão BOT". "Tránh bão BOT rồi phấn đấu trở về lãnh đạo PC 67 đúng quy trình cũng được.." - bạn đọc Bột nói "mát". Còn bạn đọc Tư Cà Phê nói ngắn gọn hai từ: "Luẩn quẩn".
Một số bạn đọc khác nhận định cứ mỗi lần cán bộ dính chàm hay có dư luận không tốt thì các cơ quan chức năng lại xử lí bằng cách chuyển công tác, có khi chức vụ sau còn cao hơn trước. Liệu như vậy có phải sinh tâm lý nhiều cán bộ "muốn bị xử lí để còn có cơ hội thăng tiến nhanh hơn"! "Tổng Bí thư vừa nói về quy định mới xung quanh việc luân chuyển cán bộ mà" - bạn đọc Bùi Tuấn nhắc nhở.
Các ý kiến khác thẳng thừng hơn, cho rằng phải xem lại án kỷ luật đối với thượng tá Thường từ năm 2003 - một sai phạm đáng phải loại khỏi ngành.
"Ngành công an hết người rồi hay sao, cán bộ tuổi trẻ tài cao ở đâu mà phải giữ vị cán bộ sai phạm ở các vị trí chủ chốt, từ phòng này qua phòng khác?" - độc giả D. bình luận.
"Uy tín đâu mà làm"
Nhìn sâu hơn về việc tổ chức cán bộ ở ngành công an tỉnh Đồng Nai, nơi các tiêu chuẩn luôn được chọn lựa gắt gao, nhiều người cho rằng cần phải làm rõ những bức xúc liên quan mà dư luận nêu. Đối với cán bộ sai phạm nghiêm trọng thì phải sa thải khỏi ngành, để giữ kỷ cương phép nước được nghiêm minh, đảm bảo lòng tin tuyệt đối trong nhân dân.
"Người có sai phạm phải xử lý nghiêm, giữ kỷ cương phép nước chứ sao lại chuyển tới chuyển lui?" - bạn đọc tên Hà bức xúc.
Một bạn độc tên Tiên cũng nhấn mạnh: "Còn rất nhiều người có năng lực, sao cứ bổ nhiệm người bị kỷ luật cách chức vào làm lãnh đạo, đặc biệt cán bộ ngành công an, phải liêm chính trung thực?".
Bạn đọc Duy Linh bình luận một câu tưởng như vô thưởng vô phạt mà tê tái nỗi buồn: "Tít mù nó lại vòng quanh". Còn bạn đọc Chân, nói thẳng: "Uy tín đâu nữa mà làm, xin về hưu sớm là tốt nhất"!
Tâm tư về trạm BOT bất hợp lý
Trong những lần tác nghiệp, thông tin xung quanh tình hình trạm BOT Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), phóng viên có những lúc cũng nhận được tâm sự của một số cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an làm nhiệm vụ ở khu vực. Họ cho biết được phân công nhiệm vụ làm việc nhưng không phải không nhận thấy những bất cập rõ ràng của trạm BOT, ở đó có những người dân bị mất tiền oan.
Bình luận (0)