Đề án Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, đã được triển khai với nhiều giải pháp trọng tâm.
Dữ liệu dùng chung - nguồn lực và tài sản quý
Để xây dựng đô thị thông minh, quản lý thông minh, điều hành thông minh thì điều quan trọng cần có chính là dữ liệu dùng chung. Kho dữ liệu dùng chung là nguồn lực và là tài sản quý giá của TP HCM.
Yêu cầu đặt ra là TP HCM cần khai thác tốt kho dữ liệu để phục vụ công tác quản lý, điều hành của thành phố, đồng thời cung cấp các tiện ích khai thác dữ liệu hỗ trợ và nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Khi có kho dữ liệu dùng chung, người dân và doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin một lần vì các cơ quan nhà nước phải chia sẻ dữ liệu với nhau, không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp nhiều lần. Nhờ đó, giảm dần các loại giấy tờ mà người dân cần cung cấp cho cơ quan nhà nước khi sử dụng các dịch vụ công.
Đến nay, TP HCM đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố, đồng thời thực hiện tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có của các sở, ngành thành phố như: văn bản điện tử, một cửa điện tử, khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, địa chính, cơ sở khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề y, cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục… về Kho dữ liệu dùng chung của TP HCM.
Giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao của TP HCM tại triển lãm bên lề Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TP HCM đã khẳng định thông điệp kho dữ liệu dùng chung không chỉ phục vụ các cơ quan nhà nước. Việc "dùng chung", hàm chứa cả việc mở ra các kênh chia sẻ dữ liệu, thông tin giúp người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng. Một phần của kho dữ liệu dùng chung đã được chia sẻ qua Cổng dữ liệu mở của TP HCM, bước đầu chia sẻ tài nguyên dữ liệu với người dân, doanh nghiệp, khuyến khích người dân tích cực tham gia giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền, xã hội. Thành phố khuyến khích sự hợp tác người dân, doanh nghiệp và chính quyền cùng tham gia sử dụng dữ liệu mở để tạo ra sản phẩm giá trị mới đóng góp cho hệ sinh thái ứng dụng của TP HCM, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn thành phố.
Với tinh thần đó, TP HCM đã và đang tiến hành tổ chức xây dựng dữ liệu về người dân thành phố từ việc tích hợp cơ sở dữ liệu hộ tịch, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giáo dục... với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan quản lý các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Nhiều kết quả bước đầu
Rất nhiều người quan tâm về việc đô thị thông minh sẽ mang lại tiện ích cụ thể gì cho người dân? Thấu hiểu điều đó, trong quá trình thực hiện, TP HCM luôn chú trọng cải thiện từng lĩnh vực cụ thể để mang lại tiện ích cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. TP HCM cũng không ngừng đột phá cải cách hành chính, tăng dịch vụ công trực tuyến và lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo cho hiệu quả thực hiện.
Hiện nay, ở nhiều lĩnh vực, người dân đã từng bước được thụ hưởng các tiện ích từ đô thị thông minh. Trong lĩnh vực y tế, TP HCM đã có Cổng thông tin của ngành y tế TP HCM cung cấp nhiều chuyên mục thuộc các lĩnh vực khám chữa bệnh, y tế dự phòng, cải cách hành chính. Đồng thời, có cổng thông tin tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh TP HCM cho phép tra cứu trực tuyến về giấy phép, phạm vi hoạt động chuyên môn của cá nhân người hành nghề và cơ sở y tế. TP HCM cũng xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành, tổ chức hệ thống GIS cho y tế dự phòng phục vụ công tác dự báo và phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt, TP đã từng bước triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện Thủ Đức, hướng đến xây dựng "Bệnh viện không giấy". Ngoài ra, TP đã triển khai ứng dụng "Tra cứu nơi khám chữa bệnh" và nhiều ứng dụng tiện ích cho người bệnh tại các bệnh viện (quầy tiếp nhận đăng ký khám bệnh tự động tại khoa khám bệnh và ki-ốt tra cứu giá dịch vụ kỹ thuật, giá thuốc).
Điều rất ý nghĩa là TP HCM đã triển khai ứng dụng Hội chẩn từ xa kết nối các bác sĩ tại các trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện lớn của thành phố. Thành phố cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại các bệnh viện…
Mới đây, ngành y tế TP vừa chọn phường 27, quận Bình Thạnh làm nơi triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử đầu tiên của TP HCM, qua đó làm mô hình thí điểm thực tế trước khi nhân rộng. Đây là một dạng chuyển đổi hồ sơ sức khỏe của mỗi người dân dưới dạng hồ sơ giấy sang hồ sơ sức khỏe điện tử, giúp người dân biết và dễ dàng quản lý thông tin sức khỏe liên tục và suốt đời, từ đó giúp mỗi người dân có thể chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe của mình.
Trong lĩnh vực giao thông, TP HCM đã thực hiện điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt tại 216 nút giao thông trọng điểm nằm trên diện tích 36 km2 khu vực các tuyến đường trung tâm TP HCM. Nhờ đó, vận tốc trung bình tăng 10%-15% trên các tuyến đường. TP HCM chú trọng cung cấp thông tin giao thông trực tuyến cho người dân. Với định hướng xây dựng một trung tâm điều hành giao thông thông minh, hiện đại, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị bước đầu đáp ứng được phần nào nhu cầu về kết nối, lưu trữ và chia sẻ thông tin cho người tham gia giao thông và các cơ quan đơn vị phối hợp. Cổng thông tin giao thông thành phố (http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn hoặc ứng dụng thông tin giao thông TP HCM cung cấp thông tin về tình hình giao thông, các tiện ích trên đường, công cụ tìm đường giúp cho người tham gia giao thông có thể lựa chọn lộ trình lưu thông hợp lý, tránh đi nơi đang ùn tắc. Khi sử dụng xe buýt, người dân có thể truy cập http://buyttphcm.com.vn, hay ứng dụng cung cấp thông tin xe buýt Go! Bus có tích hợp với dịch của Grab.
Trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, TP HCM đã triển khai ứng dụng Thông tin quy hoạch TP HCM tại địa chỉ https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn, giúp người dân tra cứu bản đồ hình ảnh các thông tin quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch cao độ nền toàn TP. TP HCM cũng thực hiện công bố thông tin các dự án xây dựng đã được cấp phép lên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng để người dân, doanh nghiệp thực hiện tra cứu thông tin và trên ứng dụng di động SXD247.
Quận, huyện cũng... trực tuyến
Các mô hình quận, huyện trực tuyến ở TP HCM cũng được triển khai rộng rãi đã mang lại thuận lợi cho sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước.
Điển hình như UBND quận 1 đã triển khai thí điểm tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính "không giấy". UBND quận 6 vận hành hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7 thông qua trụ tiếp nhận - trả hồ sơ tự động đặt trước bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trụ sở UBND quận 6.
Một số tiện ích phục vụ thông tin cho người dân, doanh nghiệp
* Hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai: https://motcuadatdai.tphcm.gov.vn
* Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin (1022): https://1022.tphcm.gov.vn
* Cổng thông tin giao thông: http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn
* Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục: http://dichvugiaoduc.hcm.edu.vn
* Cổng thông tin hệ thống thoát nước: https://chongngap.hochiminhcity.gov.vn
* Cổng thông tin quy hoạch: https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn
* Các ứng dụng tương tác trực tuyến giữa người dân và UBND quận, huyện.
Bình luận (0)