Bà Đào Bảo Minh - Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - xác nhận người dân phường Phú Đông đã có đơn tập thể kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh có biện pháp dừng ngay việc hút cát ngoài cửa sông Ba (người dân gọi là cửa Đà Diễn) của DNTN Bảo Châu. Nguyên do doanh nghiệp này hút cát làm sạt lở nhà cửa, ruộng vườn của người dân.
Đất trôi, nhà sập
Ông Đinh Tia - một người dân ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa - cho biết: Nhiều hộ dân rất bức xúc trước việc DNTN Bảo Châu hút cát không đúng theo nhu cầu khai thông luồng lạch để tàu thuyền thuận tiện ra vào cửa sông mà tập trung tận thu cát ngoài biển. Việc này đã tạo ra những hố sâu làm sóng nước xâm thực cuốn trôi đất đai, nhà cửa ven biển.
Theo nhiều người dân nơi đây, từ khi DNTN Bảo Châu được cấp phép nạo vét luồng lạch vào năm 2009, năm nào đến mùa biển động cũng xâm thực vào sâu trong đất liền. “Chỉ trong 4 năm, biển đã lấn sâu vào trong hơn 500 m, chiều ngang dọc bờ khoảng 1.500 m. Đã có 12 ngôi nhà bị cuốn trôi ra biển, hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng phải dỡ đi. Cả con đường Đinh Tiên Hoàng nằm sâu trong bờ bây giờ cũng không còn. Từ đời ông, đời cha tôi ở đây chưa bao giờ như thế” - ông Ma Chín (76 tuổi, ngụ ở xóm Rớ, phường Phú Đông) khẳng định.
Người dân càng lo lắng hơn khi cuối năm 2013, DNTN Bảo Châu đã hút hơn 75.000 m3 cát ngoài cửa biển thì biển đã xâm thực nặng vào xóm Rớ. UBND tỉnh đầu tư 12 tỉ đồng xây bờ kè bằng rọ đá nhưng vừa xây xong, sóng đã đánh sập và khoét sâu vào bên trong. Thời điểm này sóng biển cũng uy hiếp cảng cá phường 6... Đề cập đến báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Nạo vét cửa sông Đà Diễn” nhận định việc hút cát của DNTN Bảo Châu không ảnh hưởng đến người dân, ông Ma Chín cho rằng: “Họ có sống ở đây đâu mà biết con nước chảy như thế nào. Cứ thế này thì cả xóm Rớ bị cuốn ra biển chỉ vì lợi nhuận của doanh nghiệp”.
Khó giám sát việc hút cát
Dự án “Nạo vét cửa sông Đà Diễn” do UBND TP Tuy Hòa làm chủ đầu tư và chỉ định thầu DNTN Bảo Châu thi công. Doanh nghiệp này được thu lợi nhuận từ việc bán cát khai thác của dự án. Ban đầu, dự án nhằm khơi thông luồng lạch với chiều dài hơn 700 m, rộng 100-140 m, sâu khoảng 3,5 m với số lượng cát lấy đi là 387.000 m3. Sau đó, UBND TP Tuy Hòa lại có quyết định bổ sung hạng mục nạo vét luồng lạch vào cảng cá Đông Tác với chiều dài trên 1.300 m, rộng 60 m với khối lượng cát cần lấy gần 292.000 m3.
Tiếp đó, theo công văn của UBND TP Tuy Hòa trả lời người dân xóm Rớ, trong quá trình tập kết thiết bị, đơn vị thi công phát hiện có 770 m bên ngoài cửa biển bị cạn nên đã đề nghị và được UBND TP Tuy Hòa ra quyết định phê duyệt hạng mục đường công vụ. Theo đó, chiều dài DNTN Bảo Châu được nạo vét và tận thu cát là 770 m, rộng 100 m, cao trình đáy nạo vét 5 m với khối lượng cát lấy đi khoảng 297.000 m3. Chính hạng mục nằm ngoài mục tiêu “khai thông luồng lạch, cửa sông” đã gây bức xúc cho người dân vì làm sạt lở bờ biển 2 bên cửa sông. Tuy nhiên, đề cập đến lo lắng của người dân về việc doanh nghiệp hút cát gây nguy cơ sạt lở, bà Đào Bảo Minh cho rằng: “Việc sạt lở bờ sông là do biến đổi khí hậu (!)”.
Theo ông Đinh Tia, mặc dù có thành lập ban giám sát cộng đồng nhưng doanh nghiệp khai thác ngoài biển và khai thác cả vào ban đêm nên không thể giám sát được gì. Doanh nghiệp có riêng đội ngũ giám sát của mình và thường ngăn cản Ban Giám sát cộng đồng.
Về việc này, ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc DNTN Bảo Châu, cho rằng: “Chúng tôi nạo vét đúng thiết kế”. Ông Khoa cũng thừa nhận doanh nghiệp có thuê 23 người dựng trại trên bờ để giám sát riêng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Khoa không thừa nhận những người này ngăn cản Ban Giám sát cộng đồng hoạt động.
Tiếp tục cấp phép tận thu cát
Trong khi khiếu nại của người dân về việc này chưa được giải quyết thì UBND tỉnh Phú Yên lại vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho liên danh DNTN Bảo Châu và Công ty CP Đầu tư BKG (TP HCM) nạo vét khơi thông và tận thu cát vùng hạ lưu và cửa sông Bàn Thạch (thuộc huyện Đông Hòa). Theo đó, liên danh này tự đầu tư 77 tỉ đồng để nạo vét luồng lạch và cửa sông Bàn Thạch trong 2 năm với diện tích gần 70 ha, khối lượng nạo vét 2,07 triệu m3, sau đó được tận thu cát nạo vét để bán. Trong năm 2014, các doanh nghiệp sẽ nạo vét khoảng 738.000 m3 cát.
Bình luận (0)