Năm 2012, KCN Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế được triển khai xây dựng, thu hút một số doanh nghiệp (DN). Theo quy hoạch, KCN này rộng 700 ha, có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư xây dựng nên nước thải được xả thẳng ra môi trường.
Từ phản ánh của bạn đọc, chúng tôi có mặt ở phía sau kho đông lạnh Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đóng tại KCN Phong Điền. Nằm sát bờ tường rào của kho đông lạnh này có 2 ống nước thải của nhà máy đổ ra con kênh khá dài và rộng. Con kênh này tự đào, nước thấm vào trong đất cát chứ không có đường dẫn ra sông suối.
Ông Lê Văn Tuệ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết hệ thống xử lý nước thải của kho đông lạnh Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam có công suất thiết kế 1.300 m3/ngày đêm, nước thải ở đây chủ yếu dùng để rửa tôm. “Theo quy định, các nhà máy vào sản xuất phải có hạ tầng xử lý nước thải chung của KCN nhưng đến nay chưa được đầu tư. Chúng tôi đã yêu cầu các DN phải tự xử lý nước thải đạt chuẩn mới được xả ra môi trường. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang trình đề án xin Chính phủ bố trí kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải KCN Phong Điền vào năm 2017 với công suất ban đầu khoảng 5.000 m3/ngày đêm” - ông Tuệ nói.
Còn theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, do hạ tầng KCN Phong Điền chưa được xây dựng đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải chung chưa có nên phía kho đông lạnh của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tự xử lý trước khi xả ra môi trường. Theo ông Hùng, nước thải của kho đông lạnh này kết hợp với nước tù đọng nên có sự tác động nhất định đối với một số vùng. “Hệ thống xử lý nước thải của DN này thuộc loại B, công suất hoạt động đang thấp hơn công suất thiết kế do nhà máy còn ít nguyên liệu. Vì vậy, chất lượng nước thải của họ vẫn đạt yêu cầu khi xả ra môi trường” - ông Hùng khẳng định.
Bình luận (0)