Mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi, GS-TS-Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân đặt vấn đề: “Chúng ta có nhiều thầy cô giáo giỏi, tại sao không tận dụng, phát huy tư duy sáng tạo của họ?”.
Xây dựng bộ chuẩn kiến thức
Theo GS-TS-Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân, sau gần 40 năm sống trong hòa bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có tiến bộ khi tiếp cận cách quản lý giáo dục hiện đại, bước đầu xây dựng bộ chuẩn kiến thức những môn học trong khối phổ thông (nói nôm na, ví dụ môn toán thì đã có bộ chuẩn kiến thức toán từ lớp 1 đến lớp 12 dạy gì). Do đó, các thầy cô có kinh nghiệm dạy toán sẽ căn cứ vào các chuẩn kiến thức mà xây dựng giáo án để dạy, những người xuất sắc hơn sẽ được các NXB mời viết SGK cũng căn cứ vào các chuẩn kiến thức đó.
Như thế, có thể một SGK toán lớp 1 sẽ được vài NXB gửi đến các trường chọn lựa để thầy cô tham khảo viết giáo án. Quyển nào thích hợp cho vùng miền nào nhất và dùng phương pháp dạy nào dễ hiểu nhất thì trường sẽ chọn mua. Không nên chỉ dùng 1 SGK mà bắt buộc thầy cô cả nước sử dụng vì có những khác biệt bởi ngôn ngữ vùng miền, học sinh khó tiếp thu.
“Nhìn sang nước Mỹ, chúng ta thấy ở cấp liên bang, Bộ Giáo dục xây dựng bộ chuẩn kiến thức các môn học. Từ bộ chuẩn liên bang, ngành giáo dục của các tiểu bang thiết lập bộ chuẩn kiến thức riêng cho phù hợp với tiểu bang mình. Các NXB sách tư nhân trong tiểu bang sẽ xuất bản SGK cho tiểu bang họ. Chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét, không nên duy trì kiểu làm rất tốn kém của Bộ GD-ĐT trước đây là bộ tự in SGK cho toàn quốc. Đã có bộ chuẩn kiến thức môn học rồi thì để cho xã hội bám vào đó mà viết sách, viết giáo án và dạy. Bộ cứ căn cứ vào bộ chuẩn mà kiểm tra. Như thế, ngân sách nhà nước sẽ không còn gánh nặng hàng ngàn tỉ đồng mà các nhà giáo và học sinh không phải chỉ theo đúng một nội dung và một cách dạy. Có như vậy, chúng ta mới phát huy tư duy sáng tạo của thầy và trò, giáo dục mới thật sự đổi mới”- ông Võ Tòng Xuân phân tích.
Gần gũi, phong phú vùng miền
Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP HCM), nhận xét chương trình và bộ SGK hiện hành của học sinh tiểu học đơn điệu về hình thức, ôm đồm kiến thức và quá thiên về văn hóa vùng miền Bắc Bộ.
“Xét về nội dung, nhiều bài học trong SGK hiện hành có hay nhưng cách khai thác, đặt vấn đề chưa kích thích sự phát triển tư duy của học sinh, chưa hướng đến việc rèn cho học sinh kỹ năng tự học và chưa có hướng mở để giáo viên dạy học một cách linh hoạt, đáp ứng được văn hóa vùng miền. Chương trình giáo dục tiểu học mới cần đổi mới sao cho học sinh được học những gì đơn giản nhất, ít môn, lượng kiến thức tinh gọn để học sinh dễ nhớ. Về hình thức, SGK phải có màu sắc tươi vui, hình ảnh sinh động để tạo được hứng thú đối với học sinh” - bà Điệp góp ý.
Đau đáu về việc chương trình SGK cấp THCS quá tải, đặc biệt là môn ngữ văn, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM), cho biết: “Dù Bộ GD-ĐT đã thực hiện giảm tải nhưng chỉ là sự cắt giảm cơ học, không có sự gắn kết. Chúng tôi rất mong muốn một chương trình và SGK mới. Ở đó, kênh hình nhiều hơn kênh chữ, thực hành nhiều hơn lý thuyết và gần gũi, ứng dụng thực tế nhiều hơn vì các em học văn không phải để trở thành nhà ngôn ngữ mà để làm phong phú tâm hồn, làm người. Ngoài ra, giảm số bài phải học để tập trung vào những tác phẩm tiêu biểu đại diện cho cả giai đoạn văn học. Hiện nay, học sinh phải học rất nhiều tác phẩm nhưng hầu như không có gì đọng lại, việc học như cưỡi ngựa xem hoa”.
Tuy nhiên, theo cô Hiền, thay đổi chương trình chỉ là một khâu trong đổi mới giáo dục. Quá trình đổi mới này có thành công hay không cần triết lý giáo dục cụ thể, rõ ràng và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố người thầy.
Đề cao vai trò cá nhân
Cô Đỗ Thị Thanh Thủy, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP HCM), cho rằng mục đích môn lịch sử là giáo dục lòng yêu nước cho học sinh nhưng kiến thức trong sách lịch sử rất hàn lâm, gây chán. Ở từng trận đánh, từng chiến thắng đều có gắn với những cá nhân anh hùng nhưng SGK lại đưa ra rất ít, thậm chí không đề cập, chỉ nói chung chung. Giáo dục lòng yêu nước theo cách này rõ ràng không hiệu quả. “Chương trình khối 10, 11 ít rơi vào nội dung đề thi tốt nghiệp THPT hay thi tuyển sinh đại học nên giáo viên có thể thiết kế bài giảng theo hướng sinh động nhưng khối 12 thì không thể bởi thi thế nào dạy học thế đó. Chương trình, SGK mới cần xây dựng theo hướng giảm khối lượng kiến thức. Đặc biệt, không thể thiếu vai trò to lớn của các cá nhân trong các chiến dịch, trận đánh” - cô Thủy nói.
Bình luận (0)