Lão ngư Phạm Luận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trên con tàu rỗng ruột sau chuyến biển gặp bão số 1. Ảnh: Niêm Hà
- Ông Đặng Ngọc Tùng: Đúng như vậy. Nước ta có 28 tỉnh, TP có biển với 4 triệu lao động trong ngành thủy sản; trong đó 1,3 triệu lao động làm việc trên 130.000 tàu cá khai thác hải sản xa bờ, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Thế nhưng, những năm gần đây, tình hình sản xuất của ngư dân, đặc biệt là ngư dân đánh bắt, khai thác trên ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa, gặp nhiều khó khăn, bất trắc. Tính đến nay, đã có hàng trăm tàu cá của ngư dân bị “tàu lạ” tấn công, bắt bớ, giam cầm đòi tiền chuộc; nhiều chủ tàu và hàng trăm ngư dân bị mất hết tài sản, cuộc sống khó khăn trăm bề. Việc thành lập NĐ nghề cá sẽ tạo nên sức mạnh và tính bền vững trong sự gắn kết của nhiều tàu và nhiều người lao động, giúp ngư dân an tâm bám biển. Ý nghĩa lớn nhất của việc hình thành NĐ là góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển các đoàn tàu, tập đoàn đánh cá xa bờ trong chiến lược phát triển biển đảo của Đảng và Nhà nước và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên vùng lãnh hải của Việt Nam.
* Ngay khi thành lập NĐ Nghề cá An Hải, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã khởi động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”...?
- Để giúp đỡ ngư dân, từ tháng 9-2011, cùng với chủ trương thành lập NĐ nghề cá, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” nhằm vận động quyên góp kinh phí hỗ trợ NĐ nghề cá và ngư dân mua ngư cụ, tàu thuyền... Đến nay, chương trình đã nhận được hơn 4 tỉ đồng từ đóng góp của đoàn viên, CNVC-LĐ, các mạnh thường quân... Từ nguồn kinh phí này, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng đã hỗ trợ đoàn viên NĐ nghề cá và ngư dân gặp nạn trên biển ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Định, Quảng Nam... với tổng số tiền hơn 2,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, các hoạt động hỗ trợ chỉ mới dừng lại ở những khoản chi phí nhỏ như hỗ trợ ngư dân và gia đình ngư dân bị nạn, xây nhà cho ngư dân nghèo, trao học bổng cho con ngư dân... Trong khi đó, với những ngư dân mất thuyền, mất lưới thì đòi hỏi chi phí lên đến vài trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng... mới có thể sắm sửa lại phương tiện sản xuất.
* Và đó là lý do Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai giai đoạn 2 của chương trình với tên gọi “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa - Trường Sa”?
- Hoàng Sa - Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc mà mỗi khi nhắc đến, không một người Việt Nam nào lại không thấy lòng mình xúc động. Nơi ấy là Tổ quốc, dù phải hy sinh máu xương, chúng ta cũng quyết giữ gìn. Đó cũng là suy nghĩ của hàng ngàn, hàng vạn ngư dân đang ngày đêm kiên cường bám biển trên ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa. Đối với họ, bám biển cũng chính là bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước dù ở đó hiểm nguy rình rập từng ngày. Đó là một sự hy sinh vô giá mà tất cả chúng ta có nghĩa vụ phải đền đáp. “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa – Trường Sa” chính là để đền đáp một phần sự hy sinh đó.
* Với việc thành lập Chi nhánh Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng tại TPHCM, có phải chủ tịch muốn gửi gắm kỳ vọng vào thành công của chương trình trong việc huy động sức mạnh của đội ngũ CNVC-LĐ và các mạnh thường quân thông qua tổ chức Công đoàn TPHCM và Báo Người Lao Động?
- “Vì ngư dân Hoàng Sa – Trường Sa” là một việc làm hợp lòng người, hợp đạo lý nên tôi tin rằng chương trình sẽ được các tầng lớp nhân dân cả nước ủng hộ. Tổng LĐLĐ Việt Nam tin cậy và đánh giá cao tổ chức Công đoàn TP và Báo Người Lao Động trong việc tập hợp, huy động sức mạnh của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ và các mạnh thường quân cùng chung vai, hợp sức để chương trình đạt hiệu quả cao nhất. Với sự ra quân lần này, tổ chức Công đoàn muốn nói với ngư dân Hoàng Sa - Trường Sa rằng hơn 7 triệu đoàn viên của cả nước luôn dõi theo họ bằng cả tấm lòng. Tôi tin rằng với sự chung tay đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong cộng đồng, ngư dân Hoàng Sa - Trường Sa sẽ khắc phục khó khăn, tiếp tục bám biển, làm giàu và giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bình luận (0)