Một đại diện doanh nghiệp đưa ra nhận xét: Một trong những thành công lớn qua đối thoại là đã không còn kiểu nói suông, nghe suông mà đã chuyển sang lắng nghe có tiếp thu, cùng nhau phân tích mổ xẻ theo chiều hướng tích cực, cởi mở. Đây chính là tiền đề quan trọng tạo điều kiện cho việc hoạch định, triển khai và đánh giá các chính sách một cách khách quan và công bằng hơn.
Có thể nói, đây là điều đáng mừng không chỉ đối với cộng đồng các doanh nghiệp vốn luôn gặp phải những khó khăn phát sinh mà còn hữu ích đối với chính các bộ, ngành, những người đưa ra chính sách. Phương pháp tăng cường đối thoại này về mặt ý nghĩa thực tế là đã từng bước xóa bỏ kiểu “làm chính sách trong phòng kín”, thiếu sự quan tâm đến những gì đang xảy ra bên ngoài, thờ ơ trước những bức xúc của cộng đồng kinh doanh. Thái độ bỏ ngoài tai ý kiến của những đối tượng “thụ hưởng” hiệu quả của chính sách như từng có trước đây đã gây ra nhiều hệ lụy không tốt, làm khổ không ít doanh nghiệp. Nếu xét trên bình diện chung thì thái độ ấy góp phần kìm hãm quá trình cải cách hành chính, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Đó là chưa nói đến những tác động tâm lý tiêu cực trong xã hội do sự phản ứng trước những chính sách không phù hợp.
Những động thái tích cực này rất cần được nhân rộng, không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi một số lĩnh vực nhất định, đang có tính “nóng” mà phải được áp dụng thường xuyên trên quy mô rộng khắp, ở tất cả các ngành khác nhau. Những cuộc gặp gỡ có tính gợi mở, đối thoại để cùng nhau đối diện với những vấn đề tồn tại như vậy là một cách thể hiện tinh thần dân chủ trong văn hóa kinh doanh.
Bình luận (0)