Ngày 28-2, ngoài quận 1 tiếp tục kiểm tra, xử lý những vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, nhiều quận trong TP HCM cũng đã ra quân.
Thông báo, nhắc nhở và xử lý nghiêm
Tại quận Phú Nhuận, ông Nguyễn Thành Phương, Phó Chủ tịch UBND quận, dẫn đầu đoàn đi kiểm tra. Ngoài việc giải thích, nhắc nhở, đoàn đã xử phạt các trường hợp lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, hoạt động xe không đúng quy định. Khi thấy đoàn kiểm tra, nhiều hộ kinh doanh đã chủ động tháo bỏ biển hiệu, bậc thềm lấn chiếm vỉa hè.
Trên địa bàn quận Thủ Đức, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt gần 20 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 10 triệu đồng và tịch thu nhiều vật dụng lấn chiếm vỉa hè. Ghi nhận tại khu vực đường Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Ngân vẫn còn nhiều địa điểm lấn chiếm vỉa hè. Khi lực lượng chức năng tiến hành xử lý vi phạm, nhiều người đã phản ứng dữ dội. Một lãnh đạo Đội Quản lý đô thị quận Thủ Đức cho biết sắp tới sẽ tiến hành xử lý quyết liệt, không những ở các đường chính mà tất cả các hẻm.
Tại quận Tân Phú, ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận, cùng đoàn công tác kiểm tra tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên đường Nguyễn Sơn. Tổ công tác nhắc nhở các trường hợp vi phạm và gia hạn đến ngày 2-3 không tháo dỡ công trình xây dựng lấn chiếm trên vỉa hè thì sẽ tiến hành cưỡng chế.
Không chỉ TP HCM, tại Hà Nội, trong ngày 28-2, các tổ công tác của quận Hoàn Kiếm cũng ra quân kiểm tra, xử phạt trên nhiều tuyến phố: Hàng Buồm, Phủ Doãn, Đường Thành, xung quanh khu vực chợ Đồng Xuân…
Ông Đào Quang Tâm, Phó Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm, cho biết hiện trên địa bàn quận có 150 điểm phức tạp cần xử lý. Trước khi thực hiện, các phường tiến hành khảo sát tất cả các điểm vi phạm. Sau đó, quận sẽ giao UBND phường thông báo đến tận nơi về thời hạn để người dân tự giác gỡ bỏ. Nếu không, cơ quan chức năng sẽ xử lý. “Chúng tôi không mong muốn phải phạt nhiều hay phạt những người có hoàn cảnh khó khăn nhưng ý thức người dân kém quá, cho một thì lấn ra hai, không cho thì cũng cứ lấn. Lực lượng làm việc xử lý vi phạm rất khó khăn, vất vả” - ông Tâm nói.
Theo ghi nhận, không chỉ khu vực quận Hoàn Kiếm, vỉa hè nhiều tuyến phố của Hà Nội đang bị chiếm dụng để làm nơi kinh doanh, để xe cho khách. Tại nhiều tuyến phố như Xuân Thủy, Cầu Giấy, Xã Đàn, Tây Sơn, Giải Phóng..., quán ăn, quán nước bày biện tràn lan ra vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Nhiều nơi, vỉa hè chỉ rộng khoảng 1 m nhưng vẫn được trưng dụng đỗ các phương tiện giao thông hoặc buôn bán. Các phố như Phùng Hưng, Lý Nam Đế, Trần Hưng Đạo… còn được lực lượng chức năng cấp phép cho các bãi đỗ xe lấn chiếm vỉa hè cả ngày lẫn đêm.
Đồng bộ, phân định rõ trách nhiệm
Theo ông Nguyễn Quốc Thái, hiện quận Tân Phú có gần 50% là người dân tạm trú, nhiều gánh hàng rong là nguồn nuôi sống cả gia đình. Vì vậy, trong quá trình lập lại trật tự lòng lề đường, chủ trương của quận là sắp xếp lại trật tự kinh doanh trên các tuyến đường có vỉa hè rộng, tạo điều kiện cho người dân buôn bán, đồng thời có lối đi cho người đi bộ. Đối với những trường hợp thường xuyên vi phạm, sẽ kiên quyết xử lý.
“Giải pháp căn cơ là quy hoạch địa điểm kinh doanh hàng rong, giới thiệu học nghề, việc làm mới ổn định để bà con chuyển đổi nghề. Ngoài ra, vì chế độ, chính sách cho lực lượng cộng tác viên trật tự đô thị rất thấp, tôi kiến nghị lãnh đạo TP quan tâm hỗ trợ thêm cho lực lượng này để anh em yên tâm công tác” - ông Thái đề xuất.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế đô thị, TS Nguyễn Hữu Nguyên (cán bộ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính sách quốc gia Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) cho rằng để giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường phải có kế hoạch đồng bộ, phù hợp thực tế và phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, nếu không hoàn thành thì xử lý nghiêm. Tuy nhiên, cần phải có sự kết hợp giữa các đơn vị và có một cơ quan đứng ra điều hành.
Ông Nguyên đánh giá tình hình lấn chiếm vỉa hè tại TP hiện nay là do hậu quả từ hàng chục năm trước chính quyền không kiên quyết chấn chỉnh. “Tôi hoàn toàn đồng tình với việc xử lý nghiêm các trường hợp là cửa hàng kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, với những người buôn bán hàng rong, cần có cơ chế riêng. Nếu không quan tâm đến đời sống của họ thì có thể dẹp được tình trạng trên nhưng số người nghèo cũng sẽ tăng lên” - TS Nguyên lưu ý.
Với tư cách Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm góp ý muốn lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, phải cấm buôn bán trên vỉa hè, có thể cân nhắc để những con ngõ nhỏ cho người bán hàng rong buôn bán. Ngoài ra, hiện người dân khu vực phố cổ Hà Nội rất ít chỗ để xe công cộng nên phải đưa ra vỉa hè, vì vậy cần giải quyết chỗ để xe cho người dân. Bên cạnh đó, phải xử lý quyết liệt với những cửa hàng cố tình bày bán bên ngoài vỉa hè.
“Việc lấn chiếm vỉa hè kinh doanh có sự buông lỏng của chính quyền, lực lượng chức năng, nó cũng thể hiện những nhóm lợi ích trong đó. Nếu cơ quan chức năng vào cuộc thường xuyên thì việc quản lý vỉa hè sẽ không khó. Có nhiều bài học ở các đô thị lớn trên thế giới, như Đài Loan chia vỉa hè làm 2 phần, phần ngoài để đỗ xe máy và giới hạn bằng những gờ sắt cao 30 cm, phía trong dành cho người đi bộ. Ý tưởng này hoàn toàn có thể áp dụng trong khu phố cổ Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội có thể xây thêm các hầm để xe giải quyết bài toán giao thông tĩnh” - ông Liêm phân tích.
Đồng tình với các quan điểm trên, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) lưu ý việc lập lại trật tự đô thị không thể dựa vào cá nhân, đoàn công tác nào hay theo chiến dịch, mà phải là sự phối hợp đồng bộ, liên tục của tất cả các cơ quan hữu quan. Đây là công việc hằng ngày, hằng giờ của lực lượng quản lý đô thị và các địa phương. Vì vậy, cần có sự “chia lửa” của các phường trong việc tuyên truyền người dân tự chấp hành cũng như xử lý vi phạm. Nếu làm quyết liệt thì sẽ thành công, cũng giống như chủ trương đội mũ bảo hiểm trước đây.
Ngoài ra, luật sư Chánh cho rằng chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN mà ở đó tinh thần thượng tôn pháp luật là tối thượng nên dù áp dụng biện pháp quyết liệt thì vẫn phải đúng quy định pháp luật. Xử lý vi phạm phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn. Nếu thấy quy định hiện hành không còn phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo thì phải kiến nghị để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ngày 28-2, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã có công điện gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng và giữ gìn trật tự đô thị.
Không làm theo phong trào
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trong cuộc họp ngày 28-2 cho rằng vấn đề vệ sinh môi trường, vỉa hè, lòng đường cần làm kiên quyết, thường xuyên, liên tục. “TP đã có đầy đủ quy định về quản lý vỉa hè và các quận phải duy trì để thành nền nếp, không quản lý theo kiểu phong trào. Việc lập lại trật tự vỉa hè không chỉ làm một, hai hôm là xong mà phải thường xuyên, gắn với văn hóa người dân. Nếu không tạo được thói quen, nền nếp cho người dân thì không đạt được sự bền vững trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Đừng để người dân nghĩ mình làm phong trào rồi sau đó người ta lại lấn chiếm vỉa hè” - ông Hoàng Trung Hải lưu ý.
Không xuề xòa, cả nể
Theo bạn đọc Peter Hồng (Việt kiều Úc), để duy trì lề đường thông thoáng, sau khi quận giải quyết thì ký bàn giao địa bàn “sạch” cho phường quản lý, thường xuyên kiểm tra nhắc nhở. Nếu địa bàn nào bị dân phản ánh về tình trạng tái chiếm thì cách chức lập tức chủ tịch phường, kiểm điểm cảnh sát khu vực. Song song đó, phải có biện pháp chế tài, xử phạt thật nghiêm, tăng nặng những trường hợp tái lấn chiếm vỉa hè.
TP văn minh thì không cho phép lấy lý do mưu sinh hay diện tích nhà nhỏ… để tận dụng vỉa hè. Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận và nhất trí cao trong nhân dân, cần có lộ trình xử lý phù hợp. Ví dụ, thông báo trước để người dân tự nguyện di dời, nếu không thực hiện thì cưỡng chế. Làm quyết liệt, thật nghiêm, trên tinh thần pháp trị, không xuề xòa, cả nể.
Bình luận (0)