Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 6/2023/QĐ-TTg quy định thí điểm về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy mô dưới 500 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, ủy quyền cho HĐND tỉnh Khánh Hòa.
Quyết định này căn cứ theo Nghị quyết 55/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Quyết định được áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Vượt quy định chung 50 lần
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, việc chuyển mục đích đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp phải cần có quy hoạch sử dụng đất mà đã có kế hoạch sử dụng đất buộc chuyển đổi thì mới được chuyển đổi. Việc chuyển mục đích đất trồng lúa để thực hiện dự án đầu tư được quy định tại khoản 1 điều 58 Luật Đất đai 2013, trong đó HĐND cấp tỉnh chỉ được chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa; dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
Như vậy, với việc ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thì HĐND tỉnh Khánh Hòa có thể chấp thuận việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa tăng gấp 50 lần, lên đến 500 ha.
Khánh Hòa được Chính phủ ủy quyền chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 500 ha
Quyết định 06 áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Điều kiện chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, gồm:
Dự án đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp quy định tại quyết định này; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật; đã được chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật mà văn bản chấp thuận còn hiệu lực đến thời điểm đề xuất; đối với dự án phải thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 điều 62 Luật Đất đai thì phải được HĐND tỉnh thông qua.
Để thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, trước hết UBND cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng quy định và đáp ứng điều kiện quy định trong quyết định này gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) để lập hồ sơ.
Sau đó, báo cáo lên UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện dự án. Đối với trường hợp dự án thực hiện tại địa bàn 2 huyện trở lên thì chủ đầu tư, nhà đầu tư đăng ký trực tiếp với Sở TN-MT để thực hiện.
Thu hút đầu tư, phát triển kinh tế
Trong Quyết định 06, Chính phủ cũng yêu cầu HĐND tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nội dung được ủy quyền theo quy định của pháp luật. Hằng năm, HĐND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại quyết định này; tổng kết việc thực hiện quyết định và gửi báo cáo về Bộ TN-MT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp các bộ khác có trách nhiệm kiểm tra việc tổ chức thực hiện quyết định.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết Khánh Hòa đang triển khai đúng theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 55 của Quốc hội... để hình thành các khu đô thị công nghiệp, đô thị dịch vụ logistics và đô thị dịch vụ cao cấp đẳng cấp kinh tế nhằm tăng trưởng ổn định hơn. Việc cho phép Khánh Hòa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa lên đến 500 ha sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ dự án, phát triển kinh tế địa phương.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, Nghị quyết 55 có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là đòn bẩy quan trọng, tạo điều kiện để Khánh Hòa chuyển hóa các tiềm năng, lợi thế trở thành sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện và bền vững; sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030.
11 chính sách đặc thù
Nghị quyết 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã được Quốc hội thông qua 11 cơ chế, chính sách với thời hạn 5 năm kể từ ngày ký (16-6-2022).
Để cụ thể hóa Nghị quyết 55, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết về danh mục dự án đầu tư thực hiện thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết quy định việc sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất khi nhà nước thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm.
Bình luận (0)