Mấy ngày nay, tôi chỉ biết "mùi" Tết qua báo chí online, nên càng thấy nhớ dạt dào không khí ngày Tết, nhớ những chuyến xe về quê sum vầy nhiều kỷ niệm.
Đó là lần về quê ăn Tết muộn nhất trong gần 10 năm xa nhà của tôi.
Chiều đó, không hiểu sao bệnh nhân đông quá, nhân lực lại ít vì chỉ có tua trực. Lẽ ra tôi ra trực lúc 17 giờ nhưng thấy bệnh nhân đông, đồng nghiệp bận rộn quá nên tôi quyết hồi vé xe đến tài chót (xuất phát lúc 20 giờ). Khi đặt bé trai lên mình mẹ của ca mổ cuối thì cũng là lúc điện thoại nhà xe hối thúc.
Bác sĩ trưởng tua bảo tôi nhanh chóng lên đường, mọi thứ còn lại để ông… dọn dẹp. Chị sản phụ nắm tay chúc tôi về quê ăn Tết vui vẻ. Tôi cười nói: "Cu cậu này mau lớn lắm nè, vài tiếng nữa là 1 tuổi liền!". Nhìn mẹ tròn con vuông với nụ cười trìu mến, ánh mắt yêu thương nâng niu thiên thần bé bỏng, tôi thầm nghĩ: có lẽ với bà mẹ này, Tết không còn ý nghĩa gì nữa!
Những chuyến xe nghĩa tình ngày Tết trở thành nét đẹp trong văn hóa Việt. Ảnh có tính minh họa
Chuyến xe giường nằm cuối năm tưởng đông nhưng hóa ra lại ít, chỉ hơn 10 khách. Anh phụ xế bảo mọi người dồn lên phía trên nằm gần nhau cho vui. Và thật lạ, gần như không ai chợp mắt. Không gian bỗng trở nên gần gũi và giấc ngủ được thay bằng những chia sẻ, nỗi niềm.
Chị công nhân nói công ty nghỉ từ 26 tháng Chạp. Hàng ế, lương bèo nhưng may nhờ có quán ăn cho chị rửa chén kiếm thêm. Mà quán chỉ bán đêm nay rồi nghỉ Tết, chứ nếu bán tiếp chắc chị không có mặt trên chiếc xe này. Chị lặng người không nói vì sao nhưng có lẽ... Tết vẫn còn là thứ xa xỉ với một số người. Tôi thầm nghĩ rồi với tay chỉnh bớt luồng máy lạnh.
Chị công nhân vừa dứt lời thì một dì nằm sau lưng tài xế tiếp liền: "Tôi cũng tính đâu có dìa"... Dì kể đang nuôi chồng ở Bệnh viện Ung bướu. Nhà dì nghèo lắm, cả vợ chồng, con cái đều làm thuê, ở bệnh viện thì toàn ăn cơm từ thiện, có bao nhiêu tiền dành dụm mua thuốc.
"Hồi 16 giờ, có anh bộ đội vào thăm người thân nằm cùng phòng với chồng tôi rồi hỏi sao hai vợ chồng không dìa quê ăn Tết - chồng tôi sức khỏe cũng còn khá tốt. Rồi hiểu chuyện, anh bộ đội lì xì cho vợ chồng tôi 2 triệu đồng. Tôi cầm tiền mà tay run run, nước mắt rơi; còn chồng tôi thì hối gọi đặt vé xe" - người phụ nữ xúc động.
Đúng là một chuyến về quê ăn Tết quá bất ngờ, thú vị. Một vài câu chuyện cũng vơi đi nửa đoạn đường. Bác tài nói: "Mình khỏi ghé trạm, về luôn cho nhanh nha bà con". Mọi người ồ lên đồng ý ngay.
Bác tài quả thực tâm lý ghê. Xe vừa qua khu chợ thị trấn thì có 2 người ngoắc tay đón. Nhà xe này có quy định không rước khách dọc đường. Nhiều năm nay, tôi chưa hề thấy xe này rước khách bao giờ. Vậy mà bác tài ghé vào. Một cặp nam nữ tuổi trung niên bước lên nói với bác tài nơi đến. Bác tài nói xe này không chạy đến đó, chỉ có thể đưa 2 người tới ngã ba gì đó rồi tìm phương tiện khác về. Hai người rối rít cảm ơn, bảo tới được ngã ba đó là tốt lắm rồi, còn hơn 10 cây số tới nhà, vợ chồng sẽ... đi bộ.
Thì ra, họ là hai vợ chồng ở quê cũng làm thuê làm mướn. Ông chồng nói chuyên nghề bẻ dừa mướn. Mấy năm trước, dừa có giá nên Tết kiếm cũng bộn. Còn mấy năm nay, dừa rớt giá thê thảm, năm nào vợ chồng cũng lên chợ phụ người ta bán đồ. Chiều tối nay, họ còn phụ chủ tém dẹp hàng hóa, công chuyện tới giờ mới xong, may mà đón được chiếc xe này.
Đi khoảng hơn 20 cây số thì hai vợ chồng xuống xe và bác tài nói chở miễn phí. Họ xuống xe rồi, bác tài mới phân trần rằng biết rước khách là sai quy định nhưng giờ giấc này mà không rước có khi họ... không có Tết. Tôi thật sự ấn tượng với 2 lần "phạm quy" hết sức dễ thương của bác tài. Tôi với tay mở rộng luồng hơi lạnh...
Rồi xe cũng dần đến đích. Những địa danh quen thuộc lần lượt xướng lên. Lần nào cũng vậy, nhưng đêm nay sao nghe gần gũi, thân thương quá. Ai cũng bồn chồn rồi bịn rịn chia tay với lời chúc Tết. Một hình ảnh có lẽ chỉ có với chuyến xe giao thừa.
Nhớ lần nhóm bạn 4 đứa lên kế hoạch cuối năm làm một tour miền Trung rồi thử "cảm giác lạ" đón Tết Sài Gòn một lần. Sáng 29 tháng Chạp, ngồi trên xe từ Nha Trang trở lại TP HCM mà ai cũng buồn so. Tôi hắng tiếng: "Thôi, có lẽ tới Sài Gòn rồi mạnh ai nấy về quê" (cả 4 đứa đều ở miền Tây). Vừa dứt lời, cả nhóm ồ lên khoái chí, tiếng cười nói xôn xao, tôi thấy có cả giọt nước mắt. Có lẽ đó là giờ phút mà tôi cảm nhận rõ nhất sự thiêng liêng của hình bóng quê nhà.
Và giờ đây, tôi đang đối diện với sự thật - cái Tết xa quê đầu tiên của đời mình. Tôi đang sống trong vô vàn cảm xúc. Tôi đang cố cảm nhận mùi Tết theo cách của riêng mình. Paris đang mùa tuyết rơi. Lạnh. Cái lạnh của tuyết trắng hay mong manh hơi ấm quê nhà...
Bình luận (0)