Axít là một trong những loại hóa chất được quản lý theo Luật Hóa chất được thông qua ngày 21-11-2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo quy định, việc sản xuất, kinh doanh axít được quản lý rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua axít lại không mấy khó khăn.
Cần là có, rẻ như rau
Tại TPHCM, axít được bán nhiều nơi, từ điểm sạc bình ắc quy, tiệm sửa xe đến cửa hàng hóa chất, thậm chí cả ở một số cửa hàng dụng cụ y khoa. Có khá nhiều loại axít: axít sunfuric, axít nitric (độ đậm đặc 98%), axít clohydric (30%)...
Tại một tiệm sửa xe gắn máy trên đường Thành Thái, quận 10 - TPHCM, chúng tôi thấy 4-5 can (loại 30 lít) axít, đều không có nhãn hiệu. “Axít mới giá 15.000 đồng/lít, loại cũ giá rẻ hơn một nửa, muốn mua bao nhiêu cũng có, cần loại đậm đặc thì cứ đến chợ Kim Biên” - ông chủ tiệm cho biết.
Axít bán tràn lan ở chợ Kim Biên - TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, có cả chục cửa hàng bán hóa chất, chỗ nào cũng bán axít từ loại tinh khiết dùng cho phân tích thí nghiệm đến hàng công nghiệp lẫn nhiều tạp chất. Một chủ cửa hàng tên Hùng giới thiệu: “Axít lẻ đóng chai loại 500 ml hàng Trung Quốc giá 30.000 đồng, hàng Hàn Quốc hoặc Đài Loan 70.000 đồng; còn loại nhập từ Đức chai 1.000 ml giá 485.000 đồng. Muốn mua sỉ axít công nghiệp từ vài thùng trở lên, mỗi thùng 20-35 kg thì phải đặt hàng trước khoảng vài giờ”.
Ở chợ Kim Biên, khu vực đường Nguyễn Thị Nhỏ, Vạn Tượng, quận 5 - TPHCM…, đủ loại axít bày bán ê hề. Hầu hết các điểm bán axít đều không xuất trình hóa đơn cho khách. Giá axít công nghiệp bán phổ biến từ 15.000 đồng đến 18.000 đồng/lít. Khách muốn mua lẻ cũng được đáp ứng ngay nhưng phải chịu giá cao hơn.
Thực tế nêu trên cho thấy việc quản lý sản xuất, kinh doanh axít còn nhiều bất cập. Trong khi đó, cơ quan QLTT cho biết chỉ quản lý về sổ sách chứng từ, hàng không có hóa đơn, tức hàng lậu, sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, axít là mặt hàng nguy hiểm cao, cần phải được quy định chặt chẽ: Bên bán phải có điều kiện, bên mua cần chứng minh bằng giấy tờ, văn bản chứng minh mục đích sử dụng.
“Cố ý gây thương tích” hay “giết người”?
Từ lâu, axít đã trở thành một vũ khí tàn độc trong các vụ tấn công, hành hung người khác, để lại những di chứng nặng nề cho nạn nhân cả về thể chất lẫn tinh thần.
Theo Nghị quyết 02/2003 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, axít được xem là một “hung khí nguy hiểm” mà khi sử dụng nó để gây thương tích sẽ bị xem là tình tiết định tội. Không phải mọi trường hợp sử dụng axít gây thương tích cho người khác chỉ bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích”, mà còn có thể bị xử lý về tội “giết người”. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều vụ sử dụng axít gây hậu quả khốc liệt nhưng hung thủ chỉ nhận mức phạt khá nhẹ do chỉ bị kết tội “cố ý gây thương tích”.
Việc kết tội “cố ý gây thương tích” hay “giết người” phục thuộc nhiều yếu tố, trong đó có ý thức chủ quan và hậu quả. Nếu như ý thức chủ quan của người phạm tội mong muốn tước đoạt mạng sống của nạn nhân thì có thể bị xử lý về tội “giết người”. Trong trường hợp hậu quả do việc tạt axít do người phạm tội thực hiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những bộ phận quan trọng trên cơ thể của nạn nhân như đầu, cổ cũng vẫn có thể bị truy tố về tội “giết người”.
Không chỉ riêng axít, các hung khí nguy hiểm khác khi người phạm tội sử dụng mà gây những hậu quả khác nhau đều có thể bị xử lý về tội “giết người”. Chẳng hạn, nếu một người dùng cây sắt đánh vào chân một người khác thì có thể bị xử lý về tội “cố ý gây thương tích” nhưng cũng với cây sắt đó mà đánh vào đầu nạn nhân thì có thể bị xử lý về tội “giết người”.
Bình luận (0)