Gần đây, liên tiếp xảy ra những sự việc trẻ vị thành niên tự tử. Đáng nói là khi những sự việc đau lòng xảy ra, mọi người thường tìm một nhóm đối tượng nào đó có liên quan để lên án, phê bình mà không tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện một cách thấu đáo. Trong khi đó, điều quan trọng nhất chính là cần làm gì để giúp phụ huynh biết cách phòng tránh những câu chuyện thương tâm xảy ra trong tương lai.
Học cách yêu thương, lắng nghe
Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu thế nào là đồng hành với con trẻ? Đó là làm sao để biết lắng nghe, thấu cảm và chia sẻ cùng con những tâm tư, nguyện vọng và cả những thắc mắc khó nói đang diễn ra hằng ngày với con.
Đồng hành với con trẻ không phải là làm những việc gì lớn lao mà là những việc làm nho nhỏ chứa đầy tình yêu thương. Ví dụ, một cái vỗ vai ân cần giúp con trẻ ấm lòng khi thất bại, một câu nói động viên, khuyến khích kịp thời giúp con trẻ phấn khởi, một bữa ăn chung hay cùng đi đâu đó với gia đình sẽ xóa nhòa những mâu thuẫn, hiểu lầm nhỏ giữa cha mẹ và con cái... Đặc biệt, cha mẹ đừng bao giờ lấy quyền làm người lớn áp đặt lên con, mà hãy hòa nhịp cùng suy nghĩ, tư tưởng và nhịp sống của con.
Người lớn trước khi trở thành cha mẹ đã có kinh nghiệm làm trẻ em nhưng trẻ em chưa bao giờ có kinh nghiệm làm người lớn. Chính vì vậy, cha mẹ không nên chỉ thể hiện tình yêu thương khi con trẻ đạt thành tích hay chăm ngoan mà phải yêu thương vô điều kiện. Không nên so sánh cá nhân trẻ với anh chị em khác trong nhà hoặc so sánh con mình với con người khác bởi mỗi đứa trẻ đều phát triển khác nhau, tính cách và suy nghĩ khác nhau. Chỉ có cha mẹ là phải học cách yêu thương con cái giống nhau.
Học yêu thương thôi chưa đủ, cha mẹ phải học cách lắng nghe con trẻ. Tập trung nghe con chia sẻ những câu chuyện vui buồn, cả tích cực và tiêu cực xảy ra với trẻ hằng ngày, không phán xét, chỉ trích hay giảng đạo. Các chuyên gia định nghĩa một người lắng nghe con trẻ tốt là sau khi lắng nghe sẽ hiểu rõ cả nội dung và cảm xúc của con trẻ. Vì vậy khi con trẻ chia sẻ câu chuyện của mình, cha mẹ cần chú ý cử chỉ, điệu bộ và nét mặt để hiểu cảm xúc của con mình ngày hôm đó vui hay buồn, hạnh phúc hay không hạnh phúc. Từ đó sẽ đồng cảm, thấu hiểu con trẻ nhiều hơn.
Minh họa: KHỀU
Học cách chia sẻ, khen tặng và tôn trọng
Cha mẹ nào cũng lắm bộn bề lo toan về cuộc sống như việc làm, học hành, quan hệ gia đình nội ngoại, sức khỏe…, chính vì vậy thời gian dành cho con trẻ ngày càng ít đi. Hãy lên lịch cố định mỗi ngày cha hoặc mẹ thay phiên nhau dành thời gian chuyện trò với con một cách vui vẻ và đầy yêu thương. Hãy tập cho cả gia đình có thói quen chia sẻ câu chuyện buồn vui hằng ngày. Cứ như thế trẻ sẽ có thói quen chia sẻ chứ không phải chờ đợi có chuyện không hay xảy ra mới chia sẻ.
Một điều cũng rất quan trọng chính là lời khen tặng. Đã là con người thì luôn luôn có ưu điểm và khuyết điểm. Trẻ em cũng thế. Thay vì chỉ tập trung đay nghiến những khuyết điểm, cha mẹ nên tìm những ưu điểm để khen tặng. Lời khen tặng, động viên, khuyến khích của cha mẹ dành cho con cái không bao giờ thừa. Nó đem đến nhiều lợi ích về mặc cảm xúc và tinh thần cho con trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên tập dành lời khen tặng cho con trẻ và những thành viên khác trong gia đình khi họ làm một việc tốt.
Điều lưu ý cuối cùng là cha mẹ cần học cách tôn trọng con trẻ, điều đó giúp con cảm nhận mình có giá trị dưới mắt mọi người, từ đó mà tự tin và biết tôn trọng người khác. Khi trẻ biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác thì sẽ luôn hành xử có trách nhiệm. Đây chính là mấu chốt về bản lĩnh của một đứa trẻ. Hãy thực hành tôn trọng con trẻ trong gia đình qua việc giữ lời hứa với con, đã hứa thì phải thực hiện. Vì lý do nào đó quên thực hiện lời hứa hay không có khả năng thực hiện lời hứa, phải xin lỗi con.
Mỗi nhà mỗi hoàn cảnh, cha mẹ mỗi người mỗi tính cách dẫn đến cách ứng xử, đồng hành với con khác nhau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sau này trở thành người có ích trong gia đình và xã hội. Vì vậy với sự phát triển về phương tiện truyền thông và nguồn thông tin như hiện nay, cha mẹ cần dành thời gian để học hỏi, cập nhật thông tin, kiến thức làm cha mẹ thời hiện đại. Có như thế khoảng cách hiểu nhau giữa cha mẹ và con cái mới thu hẹp lại.
Mời tham gia diễn đàn
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ trẻ vị thành niên tự tử, gây nên những nỗi xót xa, ám ảnh đối với bất cứ người làm cha mẹ nào. Điều gì đang diễn ra với những đứa trẻ của chúng ta? Nhìn lại mỗi gia đình, cha mẹ đã thực sự lắng nghe, cảm thông và đồng hành với con như một người bạn thân thiết? Cần làm gì để nhận diện, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để con mạnh mẽ bước tiếp...?
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Làm sao để trở thành bạn đồng hành thân thiết của con?". Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Trân trọng
Bình luận (0)