Từ lâu, người dân châu Á có thói quen đốt vàng mã vào các ngày rằm, mùng 1 và các ngày cúng lễ, Tết trong năm. Với quan niệm “dương sao âm vậy”, thương xót người thân ở thế giới bên kia thiếu thốn nên nhiều người tiêu tốn khá nhiều tiền cho việc mua và đốt vàng mã.
Phú quý sinh lễ nghĩa. Cùng với sự phát triển của đời sống, tín ngưỡng, lễ nghĩa càng có điều kiện phát triển hơn và việc đốt vàng mã ngày càng muôn vẻ.
Trên thị trường, các loại sản phẩm hàng mã cũng rất phong phú, đa dạng như tiền ta, tiền đô la, vàng lá, quần áo, vải vóc, nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, thậm chí cả các hình nộm ôsin, hầu gái, trâu ngựa... làm bằng giấy màu. Điều đáng nói ở đây là các đồ vàng mã này không hề rẻ một chút nào.
Đủ loại hàng mã bày bán trên thị trường
Những món cầu kỳ như: nhà lầu, ô tô... giá lên tới mấy trăm ngàn đồng. Nhiều hộ dân cứ mỗi tháng đốt vàng mã hai lần, vào ngày mùng 1 và ngày rằm. Bà Hồng Ngọc ngụ quận 5-TPHCM lý giải: “Nếu thường xuyên cúng vái và gửi nhiều tiền bạc xuống cho ông bà thì họ sẽ phù hộ cho mình làm ăn suôn sẻ hơn”.
Đó còn chưa kể mấy cái lễ chính như rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, Tết Nguyên đán, nhiều người lại thi nhau mua đồ mã. Đó còn chưa tính đến các đền, miếu, phủ, chùa chiền, những nơi người tứ phương đến cúng lễ, họ đốt vàng mã như đốt... rơm!
Tự do tín ngưỡng là tùy ở từng người. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã quá nhiều trong các dịp cúng lễ, Tết, thăm viếng chùa chiền vào dịp đầu năm đang gây lãng phí, tốn kém và làm ô nhiễm môi trường.
Bình luận (0)