Theo đó, từ ngày 28-7 đến 5-8, tại khu vực sạt trượt không phát sinh thêm các vết nứt mới nhưng sụt lún đất theo các vết nứt cũ vẫn diễn tiến. Chiều rộng của vết nứt rộng nhất là 1 m, chiều sâu sụt lún đất lớn nhất là 3 m.
Từ ngày 6-8 đến nay, tình trạng sạt trượt và sụt lún đất chậm lại, các vết nứt không phát triển thêm. Ngoài những tác động trước đó, sụt lún và sạt trượt đất khiến dự án gặp thêm sự cố. Trong đó, hạng mục tràn xả lũ xuất hiện vết nứt giữa tường cánh thượng lưu bên phải và ngưỡng tràn từ trên đỉnh xuống mặt sân trước tràn; vết nứt đáy giao giữa dốc nước số 1 và dốc nước số 2 phát triển rộng đến 5 cm…
Sau buổi khảo sát và làm việc của đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai dựa trên góp ý của các chuyên gia, các đơn vị đã triển khai một số biện pháp: khơi thông rãnh thoát nước mặt dẫn nước tập trung về cống tiêu nếu bị bồi lấp; xem xét tạo mới các rãnh thoát nước mặt dẫn nước về phía hạ lưu công trình; đắp đất tạo mái ta-luy tường tràn phía vai trái đập nhằm tăng tính ổn định cho tràn xả lũ; xem xét thêm giải pháp đắp đất vào trong lòng tràn nhằm tăng trọng lượng tràn, chống đẩy nổi tràn do áp lực từ khối đất sạt trượt gây nên.
Tuy nhiên, đối với giải pháp đắp đất vào trong lòng tràn cần tính toán khả năng tháo lũ của tràn để không ảnh hưởng an toàn của công trình đầu mối. Bên cạnh đó, chuẩn bị các phương án xử lý khối đất đắp này nếu có tình huống xuất hiện lũ, chỉ thực hiện phương án này nếu có đầy đủ cơ sở khoa học, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Đồng thời, khẩn trương xem xét giải pháp hạ thấp mực nước ngầm để giảm áp lực của khối trượt tác động đến cụm công trình đầu mối, thiết kế xong kết cấu rãnh thoát nước để triển khai thực hiện ngay.
Về lâu dài, theo Sở NN-PTNT, để xác định chính xác nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý, hiện nay Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Thủy Lợi 3 đã thực hiện xong việc khảo sát địa hình, đo địa vật lý khu vực sạt trượt; khoan xong 12/21 hố khoan cần phải thực hiện để bảo đảm đủ số liệu địa chất khi xây dựng phương án xử lý.
Dự án hồ chứa nước Đông Thanh do UBND huyện Lâm Hà làm chủ đầu tư, tổng vốn hơn 494 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, cấp nước tưới cho 700 ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho 7.500 hộ dân.
Dự kiến đến ngày 30-8 sẽ có kết quả thí nghiệm địa chất của tất cả hố khoan và đề xuất phương án xử lý. Trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp cùng các chuyên gia tổ chức đánh giá cụ thể đối với phương án xử lý do đơn vị tư vấn này đề xuất.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho thành lập tổ chuyên gia tổ chức đánh giá và đưa ra giải pháp xử lý đối với sạt trượt nằm trong và ngoài phạm vi hồ chứa nước Đông Thanh. Giao UBND huyện Lâm Hà cùng các đơn vị khẩn trương hoàn thành công tác địa chất khu vực sạt trượt; hoàn thành và có đầy đủ số liệu phục vụ việc xác định nguyên nhân, đề xuất phương án, dự trù kinh phí khắc phục sự cố, hoàn thành trước ngày 30-8 và báo cáo về sở để triển khai các bước tiếp theo.
Bình luận (0)