Ngày 29 và 30-9, Thủ tướng Chính phủ sẽ họp lần cuối cùng với các bộ, ngành liên quan để thống nhất về chủ trương đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 10.
Chia nhỏ hạng mục đầu tư
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 7323/VPCP-KTN gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Hội đồng Thẩm định nhà nước để truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về chủ trương đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành. Cách đây vài ngày, UBND TP HCM cũng có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư sân bay Long Thành do việc xem xét đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hiện hữu không phải là giải pháp hiệu quả.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, so với dự thảo ban đầu, báo cáo đầu tư dự án mới nhất đã được cập nhật, chỉnh sửa một số nội dung theo ý kiến góp ý của Hội đồng Thẩm định nhà nước. Đáng lưu ý là việc điều chỉnh quy mô và phân kỳ đầu tư.
Quy hoạch đã được phê duyệt cho thấy sân bay Long Thành dự kiến phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn với tổng vốn 8 tỉ USD. Cụ thể, giai đoạn 1 (đến năm 2020), hình thành một sân bay công suất 25 triệu khách/năm, đưa vào khai thác để hỗ trợ tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Giai đoạn 2 (đến năm 2030), nâng công suất lên 50 triệu khách/năm theo nhu cầu phát triển khai thác hàng không. Giai đoạn 3 (sau năm 2030), nâng công suất lên 100 triệu khách/năm và Long Thành trở thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển của khu vực.
Tuy nhiên, qua nhiều vòng thẩm định và lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, trong báo cáo mới nhất, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất đề xuất phân kỳ đầu tư nhỏ hơn cho phù hợp với năng lực tài chính, đồng thời giảm tải sớm hơn cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện hữu. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ được chia thành 1a và 1b. Riêng mức đầu tư của giai đoạn 1a là 5,56 tỉ USD. Giai đoạn 1a được bắt đầu ngay từ năm 2016 với hạng mục xây dựng một đường băng và nhà ga hành khách có công suất 17 triệu khách/năm, giải phóng mặt bằng 2.565,4 ha. Giai đoạn 1b sẽ xây dựng thêm một đường băng và hoàn thành các hạng mục đầu tư còn lại của giai đoạn 1, giải phóng mặt bằng còn lại với tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn 1 là 7,8 tỉ USD.
Thoát tiến độ “rùa”
Ban Quản lý cảng (Cục HKVN) cho biết với sự điều chỉnh này, sân bay quốc tế Long Thành sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023. Như vậy, sân bay này sẽ “chia lửa” với sân bay Tân Sơn Nhất sớm hơn do rút ngắn được 2 năm thi công so với quy mô chưa điều chỉnh. Đây là việc hết sức cần thiết vì sân bay Tân Sơn Nhất luôn hoạt động trong tình trạng quá tải. Với các hạng mục đầu tư mở rộng đang được triển khai, sân bay Tân Sơn Nhất có công suất tối đa 26 triệu lượt khách/năm. Cuối năm 2013, Tân Sơn Nhất đã đón hơn 20 triệu lượt khách, dự kiến sẽ cán mốc 26 triệu lượt khách vào năm 2016 nên sân bay Long Thành càng đi vào hoạt động sớm càng tốt.
Vốn đầu tư giai đoạn 1a sẽ được gắn với các dự án đầu tư cụ thể, theo nguyên tắc nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn, còn lại sẽ gọi vốn từ các thành phần kinh tế khác. Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA đầu tư cho giai đoạn này dự kiến khoảng 2,755 tỉ USD (chiếm 48,65%) cho các hạng mục đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư... Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách gồm vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư với giá trị dự kiến 2,907 tỉ USD (51,35%) cho các hạng mục nhà ga hành khách, sân đậu ô tô, nhà ga hàng hóa, khu sửa chữa bảo trì máy bay, hệ thống cấp nhiên liệu bay, chế biến suất ăn và các công trình thương mại khác.
Hình thành thành phố sân bay
Nếu được Quốc hội thông qua, dự án sân bay quốc tế Long Thành trở thành sân bay lớn nhất toàn quốc và là trung tâm trung chuyển hành khách của khu vực theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự án này đi vào hoạt động sẽ hình thành một thành phố sân bay với nguồn thu từ dịch vụ sân bay; phí sử dụng bầu trời và điều hành bay (doanh thu hiện nay khoảng 2.000 tỉ đồng/năm); sửa chữa, bảo dưỡng máy bay và chi tiêu của khách quốc tế thông qua các dịch vụ thương mại liên quan.
Bình luận (0)