Những vụ du khách bị "chặt chém" giá dịch vụ ăn uống, phòng khách sạn… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ ở các điểm đến, làm "xấu xí" hình ảnh du lịch Việt Nam. Làm sao để các địa phương xử lý tận gốc tình trạng này, thay vì chỉ giải quyết sự vụ như thời gian qua?
Ðủ lý do để đẩy giá
Diễn ra từ nhiều năm nay, đến nay tình trạng "chặt chém" đang trở thành tiền lệ xấu của ngành du lịch. Ở một số khu vực vùng biển miền Bắc, thời tiết không thuận lợi, chỉ khai thác du lịch vào mùa hè, khoảng 4-5 tháng, nên các khách sạn, quán ăn thừa cơ hội này ra tay. Vì vậy, câu "Mài dao 9 tháng chờ khách tới… "chặt chém" đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Giá dịch vụ tăng do nhu cầu tăng cao một phần nhưng trong nhiều trường hợp các dịch vụ du lịch tăng giá với… đủ lý do.
Mới đây, Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ vừa có đoàn khách đi Cát Bà (Hải Phòng). Bình thường khách sạn tính phần ăn uống là 120.000 đồng/khách nhưng giờ tăng lên 150.000 đồng vì lý do biển động, khó đánh bắt cá. Giá phòng khách sạn thường là 500.000 đồng/phòng, nếu tăng tối đa cũng 20% nhưng công ty bị tăng tới 700.000-800.000 đồng/phòng; giá ngày cuối tuần còn chóng mặt hơn nữa. Dịch vụ xe điện đi tham quan đảo Cô Tô thường có giá 1,3 triệu đồng/xe nhưng đến hè "công ty quen" vẫn phải trả 1,8 triệu đồng. Lý do là xe khách sạn không đủ, phải huy động xe bên ngoài nên… giá tăng!
Dù vậy, những người đi theo tour của công ty du lịch không bị ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng này. Bởi giá tour là giá trọn gói, đã bao gồm cả dịch vụ các bữa ăn trong ngày, dịch vụ lưu trú. Trong suốt hành trình tham quan, công ty tổ chức tour du lịch còn có hướng dẫn viên, sẽ tư vấn cho khách, ăn đêm ở đâu, mua quà lưu niệm chỗ nào… Hầu hết những địa chỉ kinh doanh được hướng dẫn viên tư vấn đều đáng tin cậy nên du khách sẽ không bị tình trạng "chặt chém". Khách lẻ đi du lịch tự túc hoặc nhóm gia đình đi theo dạng "ngẫu hứng" sẽ rất dễ rơi vào cảnh bị tức giận vì bị "móc túi" công khai. "Nạn nhân" không chỉ phải đối diện với tình trạng các quán ăn đưa cái hóa đơn nhìn xanh mặt, bị đặt vào thế bắt buộc, khách đi lẻ còn phải trả giá rất cao khi đến nơi mới đặt phòng. Lúc đó, họ rất ít cơ hội để lựa chọn nên dễ bị ép giá.
Cứ vào mùa du lịch các quán ăn, khách sạn lại đua nhau tăng giá. Trong ảnh: Một quán ăn ở đảo Nam Du (Kiên Giang) Ảnh: THỦY TIÊN
Không chỉ là nhà hàng, quán xá nghĩ cách “chặt chém” du khách mà đôi khi các dịch vụ đi lại cũng đua nhau tăng giá mùa cao điểm Ảnh: THỦY TIÊN
"Vết đen" đáng buồn
Bà Ðoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc truyền thông và tiếp thị Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, nhận định: "Tình trạng "chặt chém" là một vết đen đáng buồn đối với du lịch Việt Nam, chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực dịch vụ ẩm thực tại TP điểm đến vào những mùa cao điểm". Vì vậy, để tự bảo vệ mình, trước tiên du khách nên tìm hiểu kỹ thông tin các dịch vụ, địa chỉ cung cấp dịch vụ tại TP điểm đến. Có kế hoạch đặt phòng trước chuyến đi, có thể tự đặt hoặc thông qua các công ty du lịch có kinh doanh dịch vụ đặt phòng.
Ở một số TP du lịch có đông du khách như Ðà Nẵng, Ðà Lạt… đã ban hành bộ quy tắc ứng xử du lịch. Trong đó, các quy tắc được áp dụng tại những nơi cung cấp các dịch vụ thiết yếu như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi… Tại những TP này, du khách có thể nhận diện các điểm cung cấp dịch vụ đạt chuẩn thông qua bảng giá niêm yết công khai. Sử dụng dịch vụ những nơi này vừa bảo đảm chất lượng dịch vụ vừa không lo bị "chặt chém". Bà Trà đề xuất các địa phương khác cũng nên triển khai thực hiện kịp thời theo hướng này và có biện pháp xử lý mạnh tay đối với những cơ sở dịch vụ có tình trạng "chặt chém" ngay khi xảy ra các vụ việc.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, nêu vấn đề là các khách sạn, nhà nghỉ đều được yêu cầu phải niêm yết, công khai giá phòng và thực tế có bảng giá nhưng không ai kiểm soát. "Thậm chí có rất nhiều dịch vụ không nằm trong bảng giá khiến du khách không thể biết. Chỉ đến khi xảy ra sự vụ, du khách phản ánh, cơ quan quản lý mới vào cuộc kiểm tra. Thế nên, đây chỉ là những giải pháp quản lý ở phần ngọn, quan trọng là phải chủ động kiểm soát giá dịch vụ du lịch" - ông Dũng nhấn mạnh.
Bạn đọc tham gia diễn đàn "Du lịch vào mùa chặt chém" xin vui lòng gửi vào email: bandoc@nld.com.vn.
"Chặt chém", đánh khách
Ngày 23-5, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin nhà hàng H.B (TP Nha Trang) bán không đúng giá thỏa thuận. Chị Mỹ Linh, nạn nhân vụ việc, kể nhóm chị gồm 7 người, từ Vũng Tàu đến Nha Trang và được tài xế taxi đưa đến nhà hàng này ăn. Hỏi thực đơn thì nhân viên nói không có. Sau đó nhân viên báo giá một đằng rồi tính tiền một nẻo. Nhân viên báo giá 1 kg mực 250.000 đồng nhưng lúc tính tiền lên đến 450.000 đồng. Hai tô canh chua được 2 miếng cá nhỏ giá 400.000 đồng. Dĩa tôm rim được báo giá 100.000 đồng nhưng lúc tính tiền là 250.000 đồng. Tổng tiền thanh toán cho bữa cơm là 2,4 triệu đồng.
Trước đó, đêm 6-5, nhóm khách Trung Quốc đến nhà hàng L.G (TP Nha Trang) ăn và bị tính tiền 9.950.000 đồng. Cho rằng có nhiều món không tính đúng như giá thỏa thuận ban đầu và hóa đơn đưa cho khách so với hóa đơn của nhà hàng lệch 940.000 đồng nên khách bỏ đi. Sau một hồi cự cãi, nhóm khách Trung Quốc và nhà hàng này hỗn chiến. Ba khách bị đánh phải nhập viện trong đêm hôm đó.
S.Ngọc
Máy "chém" chỉ dành cho du khách
Nhắc đến chuyện bị "móc túi" khi là khách lạ từ nơi khác đến, nhiều người hãi hùng chuyện tính tiền 2 giá ở vài nơi như Nha Trang, Ðà Lạt.
Cách đây hơn 5 năm, anh Q.V, phóng viên một tờ báo, đến TP Nha Trang và mời một người bạn "thổ địa" ra quán lai rai. Quán anh Q.V chọn là một quán nhỏ gần Viện Hải dương học. Anh V. kêu cái lẩu bò và vài chai bia để hàn huyên tâm sự. Ðến lúc tính tiền, anh V. hết hồn khi thấy chủ quán tính nồi lẩu nhỏ giá 350.000 đồng, 8 chai bia giá 250.000 đồng, tổng tiền là 600.000 đồng. Gọi chủ quán ra thắc mắc vì giá quá đắt, ông chủ quán thẳng thừng bảo: "Giá vậy là tính đúng. Giờ ông muốn gì?...". Chỉ đến khi người bạn địa phương đi cùng lên tiếng, nói sẽ nhờ người quen can thiệp nếu chủ quán tính kiểu "chém đẹp" này, chủ quán mới giả lả, đổ thừa: "Hôm nay nhân viên tính tiền nghỉ. Đầu bếp nó chưa quen nên tính nhầm, em mới xem lại. Thôi thì tính anh giá 300.000 đồng". Bạn tôi cạch mặt quán đó từ dạo ấy và cũng đề phòng hẳn chuyện ăn, ở khi ra Nha Trang.
Cũng có "kinh nghiệm vàng" khi du lịch đến TP Nha Trang là anh Nguyễn Hiển. Anh Hiển kể lần đó anh được tổng công ty cử đi dự hội thảo và kết thúc của những ngày này là điểm đến ở một nhà hàng hải sản tại TP. Hải sản của nhà hàng không chê vào đâu được. Hàu ngon, tôm tươi… nhưng giá chát vô cùng. Anh liếc sơ hóa đơn thấy một con hàu giá 27.000 đồng… chưa kể tiền tôm và các món khác. Hôm sau, để thể hiện thành ý, anh Hiển mời một số nhân viên của công ty đối tác tại TP này đi ăn. Các nhân viên này vô tư giới thiệu anh đến đúng nhà hàng hôm trước anh đã ăn. Không đi cũng dở. Anh bấm bụng đến mà trong lòng lo lắng. Chắc thấy mặt khách có vẻ "không bình thường", các nhân viên này trấn an anh: "Anh đừng lo. Tụi em đi ăn quán này rồi nên tụi em biết giá cả. Nó rẻ chứ không đắt như anh tưởng đâu". Mà rẻ thật. Ðến lúc tính tiền nhìn hóa đơn mới biết là thật. Giá nhà hàng này tính cho anh hôm nay chỉ bằng 1/3 giá hôm qua tổng công ty anh phải chi. Cũng gồm các món đó nhưng do nhóm anh đi gồm nhiều người là dân địa phương nên chủ quán tính giá mềm cho "dân mình". Anh Hiển bảo: "Kinh thật! Từ đó về sau, mình rút kinh nghiệm đi đâu nếu có bạn bè ở đó thì hỏi nó cho chắc ăn nếu không muốn bị "chém đẹp".
T.Tiên
Bình luận (0)