xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa anh hùng về với anh hùng

KHÁNH VÂN

Đã nhiều năm qua, các cựu chiến sĩ Ban Trí vận, Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định liên tục tổ chức những chuyến đi tìm đồng đội để biết họ còn sống ở nơi nào hay đã hy sinh, tìm kiếm gia đình liệt sĩ để đưa những thông tin về người thân của họ, đi thăm viếng đồng đội.

Đặc biệt, đã có hơn 200 bản nhân danh hiệu và 200 huy hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân được các cựu chiến sĩ Ban Trí vận tự bỏ chi phí làm và mang tới trao tận nhà từng cán bộ, chiến sĩ và người dân là cơ sở bí mật của Ban Trí vận trước kia. Các cựu cán bộ, chiến sĩ thuở nào, giờ tuổi đời đã từ 70 đến 90, rất sợ những đôi chân không còn bước vững để tiếp tục hành trình đang dang dở.

Đưa anh hùng về với anh hùng - Ảnh 1.

Ban Liên lạc Ban Trí vận tặng quà cho mẹ nuôi liệt sĩ Huỳnh Văn Tý (Võ Tấn Thành) ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Ảnh: CÁC NGỌC

Làm chuyện chưa có tiền lệ

Ngày 29-4-2012, tại lễ kỷ niệm 37 năm ngày thống nhất đất nước do Thành ủy, HĐND, UBND và MTTQ TP HCM tổ chức, lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Ban Trí vận, Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định "đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước".

Ngày nhận trao tặng danh hiệu, chỉ có 9 người kịp sắp xếp đến dự và thay mặt tất cả đồng chí, đồng đội nhận vinh dự này.

Sáng 30-4-2012, các ông bà Hai Hiền, Hai Nghĩa, Cao Nguyên, Bích Hoàn, Ba Liên, Sáu Nhành, Mạnh Hùng, Bảy Bình, Mười Mến, Mạnh, Ngọc Mai, Hai Long đã thay mặt Ban Liên lạc Ban Trí vận, Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (gọi tắt là Ban Trí vận) lên đặt hoa, thắp nhang viếng các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Thành phố và Nghĩa trang Liệt sĩ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Ban Trí vận có gần 60 liệt sĩ, quê quán ở mọi miền đất nước. Năm 2013, khi thực hiện bộ kỷ yếu truyền thống Ban Trí vận, bảng danh hiệu và huy hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân đã được gắn trang trọng vào di ảnh của từng liệt sĩ, mang ý nghĩa "danh hiệu và huy hiệu anh hùng là của chính các liệt sĩ".

Chúng ta thường thấy những bảng trao tặng danh hiệu, huy hiệu cao quý cho những đơn vị, tập thể luôn được treo ở hội trường, phòng truyền thống của cơ quan làm việc hay lưu giữ ở bảo tàng. Rất nhiều người đã đóng góp tạo nên thành tích lớn chung đó chỉ được nhìn thấy bảng danh hiệu một lần khi đón nhận, thậm chí có người còn không có dịp thấy, mà chỉ nghe về danh hiệu đó. Đáng suy nghĩ nữa là những người đã hy sinh tuổi đời, hy sinh xương máu của bản thân, hy sinh những người thân yêu của gia đình trong hai cuộc kháng chiến, họ ở trong những đơn vị "Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân" nhưng mấy ai biết họ và gia đình họ là những anh hùng đáng trân trọng.

Nỗi niềm đó khiến các thành viên Ban Liên lạc Ban Trí vận canh cánh một câu hỏi: "Danh hiệu thuộc về mấy trăm cán bộ lãnh đạo, chiến sĩ anh hùng và cả bao người dân là cơ sở bí mật của Ban Trí vận, lẽ nào mang tấm bảng danh hiệu và huy hiệu về treo bất di bất dịch một chỗ?".

Ban Liên lạc Ban Trí vận quyết định nhân bản bảng danh hiệu và huy hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân để gửi vinh dự này đến tận từng cán bộ, chiến sĩ và người dân là cơ sở bí mật của Ban Trí vận, cả cho gia đình của những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh hay mất sau này. Mỗi bảng danh hiệu được nhân ra giống như nguyên bản nhưng đặc biệt được ghi thêm họ tên và đơn vị công tác của người nhận.

Lấy chi phí ở đâu ra để làm việc ý nghĩa này? Một số ông, bà hiểu được ý nghĩa đã tự nguyện đóng góp làm 5-10 bảng, nhiều người góp nên đã có hơn 200 bản nhân danh hiệu và 200 huy hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân được trao tận nhà từng cán bộ, chiến sĩ và người dân là cơ sở bí mật, giao liên của Ban Trí vận trước kia.

Thật là những việc làm chưa từng có tiền lệ! Đến trao bảng danh hiệu cho từng cá nhân hay đại diện gia đình người đã khuất ở bất cứ đâu, Ban Liên lạc Ban Trí vận đều thực hiện nghi thức trang trọng, có lúc mời cả đại diện địa phương đến chứng kiến.

Đưa anh hùng về với anh hùng - Ảnh 2.

Ban Trí vận trao bảng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân có ghi tên ông Cao Văn Ngôn cho gia đình ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: CÁC NGỌC

Những chuyến đi trao vinh dự đáng nhớ

"Những người sợ muộn" đã tự tổ chức nhau đi các nơi để trao tặng danh hiệu anh hùng, đồng thời tìm kiếm đồng đội và gia đình liệt sĩ. Nhiều chuyến đi để lại kỷ niệm khó quên.

Tham gia các chuyến đi, bà Lê Thị Thanh Minh, em gái liệt sĩ Lê Ngọc Mẫn, chia sẻ cảm xúc: "Có lẽ hương linh các liệt sĩ hiểu tấm lòng đồng đội không nề khó khăn đi tới các tỉnh tìm kiếm nên đã xui khiến những cuộc gặp gỡ hy hữu".

Liệt sĩ Huỳnh Văn Tý (Võ Tấn Thành) hy sinh năm 1972 khi mới 18 tuổi. Biết chiến sĩ Thành quê Long An nhưng Ban Liên lạc Ban Trí vận không rõ ở huyện Đức Hòa hay Đức Huệ. Cầm bức ảnh chiến sĩ Thành đội nón tai bèo về Đức Hòa tìm kiếm, may sao gặp lại những đồng đội tìm hiểu giúp, chuyển hướng tìm kiếm về Đức Huệ thì gặp đúng bà Lê Thị Chính - mẹ nuôi liệt sĩ này. Đưa hình cho bà xem, bà khóc liền bởi bà nhớ hoài hình ảnh con trai khi ra đi đội nón tai bèo và bao nhiêu năm qua bà cứ đội chiếc nón tai bèo vì nhớ con.

Nhiều liệt sĩ khi ở nhà tên khác, tham gia kháng chiến lại mang tên khác nên việc tìm kiếm không dễ, như trường hợp liệt sĩ Phạm Văn Chơn (Tới), liệt sĩ Nguyễn Văn Nghỉ (Hồng Quang) nhưng rồi đều trùng hợp khi vào ngày những người đi tìm kiếm đến địa phương hỏi thăm thì đúng lúc gặp người nhà của liệt sĩ cũng đi nhờ xã, huyện tìm kiếm giúp, tình cờ gặp nhau.

Chuyến đi làm ngạc nhiên nhất cho địa phương là khi mang bảng danh hiệu và huy hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân tới trao tặng cho các gia đình cơ sở Ban Trí vận ở xã Long Chữ, huyện Bến Cầu và xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Đó là các gia đình từng làm giao liên, nuôi giấu cán bộ trong đường dây giao liên quan trọng từ Tây Ninh về Sài Gòn.

Các gia đình này trước kia không hề biết Ban Trí vận là gì. Một cuộc triển lãm nhỏ trong lễ trao tặng danh hiệu, trưng bày hình ảnh kháng chiến và hình ảnh những người dân giao liên, làm cho mọi người giờ biết họ đã từng thuộc một cơ quan kháng chiến quan trọng như thế nào. Chính quyền và các đoàn thể địa phương chứng kiến trao bảng danh hiệu anh hùng đã có cái nhìn khác hẳn về các gia đình mà từ lâu họ nghĩ chỉ là dân bình thường, không có công trạng gì đáng kể với đất nước. Những người được trao tặng danh hiệu cũng không ngờ mình được vinh dự như vậy.

Bước chân không mỏi

Ông Kiều Xuân Long, Trưởng Ban Liên lạc Ban Trí vận, thổ lộ: "Việc chúng tôi làm đơn giản là muốn nói rằng có rất nhiều người góp sức cho hòa bình đất nước và vị trí chiến đấu nào cũng quan trọng. Có những người được biết đến nhiều, có những người nhỏ bé, bình dị thì họ cũng xứng đáng được biết tới là người đã góp phần làm nên một đơn vị anh hùng, ít nhất trong phạm vi làng xóm của họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục những chuyến đi để không muộn trao tới những người anh hùng danh hiệu anh hùng".


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo