Thời gian qua, những clip bạo lực học đường (BLHĐ) xuất hiện ngày càng nhiều và nhuốm màu “giang hồ”. Cứ vài ba ngày lại xuất hiện đâu đó những thông tin về nhóm thanh thiếu niên đánh hội đồng một học sinh, bắt cởi đồ, cắt tóc, cạo đầu… Rồi lại đâu đó, một học sinh bị bạn học cùng trường đánh trọng thương phải nhập viện...
Vì sao hiện tượng này ngày càng phổ biến với tính chất, mức độ ngày một nghiêm trọng hơn?
Bỏ quên tội phạm liên quan bạo lực học đường
Trước hết, xem xét dưới góc độ pháp luật vụ đánh hội đồng nữ sinh ở huyện Nhà Bè, TP HCM, hành vi cụ thể của Nhí Tino có dấu hiệu của tội “Làm nhục người khác”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 121 BLHS 1999. Chủ thể của tội phạm này phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Theo điều 121 BLHS, làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự con người. Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông…; có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Tất cả hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác. Nếu hành vi làm nhục người khác lại cấu thành một tội độc lập thì tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện.
Xét ở góc độ quản lý nhà nước, theo dõi nhiều kỳ họp Quốc hội, tôi thấy chưa lần nào Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đưa ra những báo cáo về tình trạng BLHĐ và kiến nghị Quốc hội xem xét giải quyết trong khi tình trạng BLHĐ ngày một tăng theo cấp số nhân. Sự quản lý của chính quyền địa phương, nhà trường cũng thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. Toàn bộ những vụ hành xử mang đậm chất bạo lực đều do báo chí, cơ quan truyền thông phát hiện và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Là người làm công tác thực tiễn, bản thân chúng tôi cũng chưa thấy tòa án đưa ra xét xử một vụ nào có liên quan đến loại tội phạm này do nhà trường kiến nghị cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giải quyết.
Mạnh dạn áp dụng các biện pháp tư pháp
Không thể cho rằng hành vi BLHĐ chỉ có thể giải quyết bằng những biện pháp kỷ luật trong nhà trường nhằm bảo đảm cho trẻ phát triển bình thường, không ảnh hưởng đến quá trình học tập cũng như tâm sinh lý của trẻ. Chúng ta không khuyến khích áp dụng những hình phạt mang tính cứng rắn với trẻ em nhưng nếu cứ để nhà trường “tự giải quyết” thì hiện tượng BLHĐ chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng, tạo nên môi trường xấu cho xã hội.
Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước nên mạnh dạn áp dụng các biện pháp tư pháp khác (đưa vào trường giáo dưỡng, trường cải tạo thanh thiếu niên hư hỏng, giao cho chính quyền địa phương giám sát và quản lý chặt chẽ…), thậm chí khi trẻ thực hiện hành vi nếu đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải kiên quyết xử lý, tránh bao che. Đây không còn là câu chuyện để trên bàn giấy “nghiên cứu thực trạng”, cần phải có những động thái tích cực hơn trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, chấm dứt kiểu suy nghĩ đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, chính quyền. Phải xử lý “ra ngô ra khoai” mỗi vụ việc xảy ra mới đủ sức cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục trẻ.
Người lớn phải làm gương
Xét ở góc độ xã hội, hằng ngày, chúng ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh những người lớn đánh ghen bằng việc cắt tóc, lột quần áo, tạt axít tình địch; va quệt nhẹ trên đường thì dùng mũ bảo hiểm, dao kéo lao vào đánh đấm, đâm chém; phát hiện kẻ trộm chó, cả thôn xóm “đập cho chết”; thấy người khác gặp nạn thay vì giúp đỡ lại xông vào “hôi của”; kiếm tiền bất chính bằng việc rải đinh, lừa đảo, trộm cắp… Người lớn vô cảm, xấu xí như thế, trẻ em học được gì hay chúng chỉ lập lại những hành vi đã được người lớn gieo vào đầu mỗi ngày? Chỉ khi người lớn biết thương yêu, bênh vực đồng loại trước mọi hiểm nguy, không sợ đấu tranh với cái xấu, cái ác... thông qua những hành động cụ thể, thiết thực thì mới mong ngăn chặn được tình trạng BLHĐ hay kiểu hành xử “giang hồ” của giới trẻ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-11
Bình luận (0)