Nguyên tắc tối thượng của nguồn quỹ BHXH chính là phải bảo đảm an toàn. Bởi đối với một quốc gia, quỹ BHXH là nguồn an sinh xã hội cốt yếu, liên quan đến hầu hết mọi tầng lớp. Thế nhưng, không hiểu vì sao lãnh đạo BHXH Việt Nam lại “vung tay” đầu tư thoải mái hơn cả ngàn tỉ đồng vào Công ty Cho thuê Tài chính 2. Hậu quả là đến nay đã gây thất thoát không có khả năng thu hồi gần 800 tỉ đồng.
Bạn đọc Nguyễn Thành Chương bày tỏ: “Số tiền trên là mồ hôi, nước mắt của người lao động; là nguồn sống của rất nhiều người sau khi hết tuổi lao động. Thế nhưng đến nay, những lãnh đạo của BHXH dám dùng tiền của người dân vung vẩy cho vay vẫn không bị xử lý thì thật không hiểu nổi”. Nguồn quỹ này do chính người dân đóng góp nên họ có quyền yêu cầu được biết cơ quan BHXH đầu tư nguồn quỹ này vào đâu, có an toàn hay không và lời lãi thế nào?
Đối với việc đề xuất tăng tuổi hưu để tránh vỡ quỹ như Ban Soạn thảo Luật BHXH đưa ra, nhiều bạn đọc chỉ thẳng vào sự bất cập đã xảy ra. “Qua ý kiến phát biểu của vài đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật BHXH cho thấy tư duy trong quản lý ở cấp vĩ mô chưa xứng với kỳ vọng của người dân. Không xác định nguyên nhân thâm hụt quỹ BHXH mà dùng cách tăng tuổi nghỉ hưu là cách giải quyết không thấu tình đạt lý. Trách nhiệm của cơ quan BHXH là phải sử dụng đúng, công bằng trong đóng góp và hưởng thụ ở tất cả đối tượng đóng BHXH và bảo toàn quỹ. Đừng vì quản lý yếu kém của mình mà đưa ra giải pháp thiếu tính khả thi” - bạn đọc Nguyễn Hùng chỉ rõ.
Nhìn nhận về việc quản lý nguồn quỹ này, bạn đọc Trần Phúc cho biết: “Lương hiện tại cộng thêm cả tiền tăng ca của công nhân còn không đủ sống thì hy vọng gì mấy đồng lương hưu sau này. Luật BHXH ban hành ra là phải có hướng an sinh cho người lao động khi họ hết tuổi lao động chứ không phải để nuôi bộ máy quá cồng kềnh của hệ thống cơ quan BHXH từ trung ương đến địa phương”.
Bình luận (0)