Do đâu mà có những người trẻ chấp nhận từ bỏ vị trí làm việc và cơ hội thăng tiến trong nước để theo đuổi một cơ may ở xứ người? Có ý kiến cho rằng trong môi trường công vụ hiện tại ở Việt Nam, trí thức trẻ, nhất là những người đã từng được đào tạo ở nước ngoài, khó có điều kiện khẳng định, phát huy năng lực. Chịu ảnh hưởng bởi nền nếp sinh hoạt, giao tiếp làng xã thời phong kiến, cơ quan nhà nước đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt tôn ti trật tự không chỉ trong việc thực hiện phận sự công mà cả trong phân chia bổng lộc, đề bạt, cất nhắc...
Việc tìm cách để có một chỗ đứng trong bộ máy nhà nước cũng không hề đơn giản. Các cuộc thi tuyển viên chức, về mặt lý thuyết, được đặt trong một khung pháp lý cho phép diễn ra khách quan, minh bạch, công bằng. Tuy nhiên trên thực tế, khi những cuộc thi công chức ngày càng khốc liệt thì không ít kết quả thi cử bị nghi vấn hình thành từ các thủ thuật, tiểu xảo, các mối quan hệ chằng chịt. Nạn bè phái cũng góp phần không nhỏ vào việc biến cơ quan nhà nước thành các dinh lũy khép kín và không thân thiện, tạo tâm lý e dè đối với người ngoài muốn gia nhập. Có những trí thức trẻ dấn thân trong khu vực công, do không hiểu hoặc không chấp nhận chung sống với những cái được cho là dở, xấu, đã có những trải nghiệm không dễ chịu. Không ít bạn trẻ nản lòng, tìm cách trốn chạy.
Là người tạo ra khu vực công, nhà nước tất nhiên giữ vai trò chính trong việc hoàn thiện, làm cho khu vực này trở thành địa chỉ nghề nghiệp hấp dẫn đối với mọi người, đặc biệt là trí thức trẻ. Quét dọn rác rưởi tư duy ao làng, loại bỏ rào cản và những nhân tố tạo rủi ro, bên cạnh việc cải thiện chế độ đãi ngộ vật chất, là những biện pháp thiết thực nhằm đạt mục tiêu này.
Nhưng về phần mình, trí thức trẻ gia nhập các thiết chế công với hoài bão nghiêm túc lập thân, lập nghiệp và cống hiến cũng phải có thái độ hợp tác, cầu thị và kiên trì. Cái mới sẽ dễ được tiếp nhận và có điều kiện phát huy tác dụng một cách bền vững khi nó được giới thiệu ở thời điểm thích hợp và với tinh thần xây dựng.
Bình luận (0)