Ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), cho hay đến chiều 5-11, bộ vẫn chưa có văn bản của tỉnh Quảng Bình báo cáo về việc xây cáp treo này.
Không thể đặt lợi nhuận lên trên
Theo ông Tân, việc xây dựng cáp treo tại di sản thế giới không phải cứ muốn là làm được. “Tôi đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế nhưng không phải lúc nào cũng đặt mục đích khai thác lợi nhuận lên hàng đầu. Phát triển là phải bền vững, không thể đặt mục đích phát triển nóng lên trên vì có thể sau này những cái chúng ta phải trả giá sẽ lớn hơn những cái thu được hôm nay” - ông Tân nói.
Ông Tân cho rằng cần thực sự lắng nghe ý kiến của các chuyên gia địa mạo - địa chất về việc không thể xây cáp treo ở Sơn Đoòng vì cấu tạo của hang là một động rỗng trong núi đá vôi, xây dựng cáp treo có thể sẽ gây sụp trần hang.
PGS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, lưu ý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới nên mọi vấn đề liên quan đến hang Sơn Đoòng, vùng lõi của di sản, phải tuân thủ theo đúng Luật Di sản cũng như các công ước quốc tế.
“Sơn Đoòng không chỉ là di sản của Quảng Bình, của Việt Nam mà là cả thế giới, không chỉ của thế hệ hôm nay mà là của con cháu đời đời sau. Một tòa nhà mất đi có thể xây dựng lại nhưng một di sản thiên nhiên mất đi là mất vĩnh viễn, bao nhiêu tiền cũng không thể có lại được” - ông Trụ nhấn mạnh.
Cần nghiên cứu chuyên sâu
Trước quan điểm của không ít người cho rằng Sơn Đoòng là một mỏ vàng, không chỉ để ngắm suông mà phải đưa vào khai thác, ông Phan Đình Tân phân tích di sản này đúng là mỏ vàng, thậm chí là mỏ kim cương nhưng phải khai thác thế nào để nó phát huy hiệu quả chứ không phải trở thành đống rác.
Với dự án của Sun Group cho thấy hướng tới việc bình dân hóa hay có thể xem như là đại trà tour du lịch này, du khách sẽ nườm nượp đổ về đây. Đi cùng với đó là các hệ thống dịch vụ, nhà hàng, khách sạn… sẽ phát triển theo, tăng nguồn thu cho tỉnh, cho đất nước. Tuy nhiên, không thể vì tăng nguồn thu lên vài trăm tỉ đồng/năm mà chấp nhận những hệ lụy tới môi trường tự nhiên, xã hội của khu di sản và vùng lân cận. Một việc đơn giản dễ thấy nhất là lượng du khách ra vào nườm nượp, các hệ thống cáp treo vào ra liên tục chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc, sự ổn định và môi trường, các hệ sinh thái của hang.
PGS Đỗ Văn Trụ cho biết đây không phải lần đầu tiên người ta bàn tới việc xây dựng cáp treo qua di sản thiên nhiên thế giới bởi đã có không ít quốc gia khác từng làm. Đây cũng không phải lần đầu tiên việc xây dựng cáp treo trong khu vực danh thắng, di tích được đề cập ở Việt Nam. “Đứng ở góc độ phát triển du lịch, nếu việc xây dựng cáp treo giúp cho khách tham quan có thêm nhiều cơ hội để khám phá vẻ đẹp kỳ bí của hang động thì rõ ràng là điều tốt (tất nhiên phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa và các công ước đã ký với UNESCO). Tuy nhiên, để khai thác một cách lâu bền kết hợp với bảo tồn các giá trị của hang Sơn Đoòng, cần phải tiến hành các nghiên cứu và đánh giá chuyên sâu” - ông Trụ nói.
Cụ thể, theo ông Trụ, nếu xây cáp treo vào Sơn Đoòng, chính quyền địa phương và nhà đầu tư phải bảo đảm các yêu cầu: Một là, có đề án cụ thể, công khai về việc xây dựng tuyến cáp treo để những đơn vị liên quan, thậm chí là cả người dân được đóng góp ý kiến. Cần phải lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành cũng như tham vấn của các cơ quan chuyên môn, tổ chức một hội thảo lớn liên quan đến nội dung này. Hai là, tuyến cáp treo qua hang Sơn Đoòng không được làm suy giảm giá trị toàn cầu của di sản thiên nhiên thế giới. Cuối cùng, tuyệt đối không được làm ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của di sản.
Phải có trách nhiệm bảo vệ di sản thế giới
Việc UBND tỉnh Quảng Bình cho phép Tập đoàn Sun Group khảo sát để xây dựng tuyến cáp treo với tổng vốn đầu tư 4.500 tỉ đồng tại hang Sơn Đoòng thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã thực sự làm cho những ai quan tâm đến di sản quốc gia lo lắng.
Không lo lắng sao được khi những kỳ quan thiên nhiên hàng trăm triệu năm tuổi với vô số đại thạch nhũ tráng lệ đang đứng trước nguy cơ bị bê tông và sắt thép hóa? Cho dù các cơ quan chức năng và nhà đầu tư đưa ra nhiều cam kết về sự an toàn, hứa hẹn nhiều biện pháp bảo tồn thiên nhiên nhưng ai dám chắc những cam kết trên được thực hiện nghiêm túc? Những hang động được hình thành trong bóng tối từ bao năm qua làm sao không bị ảnh hưởng khi phải phơi mình dưới ánh đèn sáng lòa, lủng lẳng dây cáp, cọc trụ xuyên tường, lồng thép...? Đó là chưa nói đến ý thức của khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Ở những quốc gia có cảnh quan thiên nhiên đẹp, tuy là điểm thu hút du lịch nhưng họ vẫn hạn chế lượng người đến bởi sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là tàn phá cảnh quan. Đặc biệt, cáp treo được sử dụng khá phổ biến nhưng không áp dụng đối với khám phá hang động. Hang động, đặc biệt những hang lớn như Sơn Đoòng, có hệ sinh thái đặc biệt, rất dễ bị tổn thương bởi sự thăm viếng vượt quá sức chịu tải của nó.
Mặt khác, từ thực tế cho thấy khi khai thác du lịch kiểu trên, giá tham quan sẽ lệ thuộc vào nhà đầu tư. Nhiều khu du lịch sau khi được các doanh nghiệp đầu tư thì họ thẳng tay “cắt cổ” du khách để nhanh thu hồi vốn. Điều này đồng nghĩa với việc người dân có thu nhập thấp khó có cơ hội tham quan.
Khi Việt Nam nhận danh hiệu “Di sản thiên nhiên thế giới” của UNESCO trao tặng cho Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đồng nghĩa nhận trách nhiệm bảo vệ di sản cho thế giới. Vậy nên, đừng vì lợi ích trước mắt của một số ít người mà đánh mất giá trị lâu dài.
Gia Khang
Bình luận (0)