Công ty Bất động sản Nhật Nam tại TP Hà Nội hứa hẹn với khách hàng góp vốn, khi nào cần lấy lại sẽ được trả lãi suất 34% - 46%, thậm chí 80%. Công ty Lộc Phúc tại TP HCM chở khách hàng đi mua dự án "ma" phân lô bán nền ở Đồng Nai cũng dùng chiêu thức cam kết lợi nhuận cao, mua buổi sáng có thể sang tay buổi chiều với tiền lãi cả trăm triệu đồng...
Mới đây, ngày 5-10, Báo Người Lao Động có bài viết phản ánh Công ty CP TP Holding đã "vẽ" dự án Seaway Bình Châu, thu tiền đặt cọc hàng chục tỉ đồng của nhiều khách hàng...
Khách hàng tin rằng mình tranh thủ cơ hội tốt, được cam kết bằng hợp đồng và tận mắt thấy dự án, lô đất mà doanh nghiệp giới thiệu đã có người mua nhưng đâu biết đó là sự dàn cảnh đánh vào tâm lý đang có nhiều nhà đầu tư cùng cạnh tranh.
Muôn hình vạn trạng chiêu thức lừa được các chủ dự án bất động sản "ma" đưa ra. Thậm chí, một lô đất còn bán cho nhiều người với hình thức góp vốn, cam kết giao đất trong vòng vài tháng, sau đó trả mặt bằng và bỏ trốn.
Nhiều người cả tin đã bị lừa mất trắng tài sản tích cóp trong nhiều năm, lâm vào cảnh khánh kiệt, nợ nần.
Thời gian qua, nhiều trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi bán dự án bất động sản "ma" chính là bài học đắt giá. Để không rơi vào cảnh mất tiền, trước tiên phải thận trọng tìm hiểu kỹ hồ sơ pháp lý; đặc biệt tỉnh táo trước những lời quảng cáo siêu lợi nhuận, cam kết lãi "khủng"… Thắc mắc, nghi vấn không bao giờ thừa.
Đã đến lúc cơ quan chức năng có biện pháp quản lý chặt hơn các loại hình nhà ở, phân lô bán nền; xử lý đúng mức các trường hợp lừa đảo, đăng tin sai lệch trong hoạt động môi giới nhà đất.
Cùng với đó, chủ động công khai các quy hoạch liên quan những dự án bất động sản và tình trạng pháp lý, chủ đầu tư để người dân có thể truy cập tìm hiểu thông tin. Đồng thời, cảnh báo tại hiện trường để người dân không bị lừa; có thể gắn camera theo dõi và quản lý chặt hơn với khu đất bị lén nhổ bảng cảnh báo...
Bình luận (0)